Cải tạo chung cư cũ cần tư duy mới!

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Câu chuyện cải tạo xây dựng lại chung cư cũ không còn mới, thế nhưng tiến độ cải tạo chung cư vẫn giậm chân tại chỗ. Theo một số chuyên gia, để chương trình cải tạo nhà chung cư cũ phát huy hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành.

Người dân nơm nớp lo sợ sống tại khu tập thể C5 Quỳnh Mai. Nguồn: Thời báo kinh doanh
Người dân nơm nớp lo sợ sống tại khu tập thể C5 Quỳnh Mai. Nguồn: Thời báo kinh doanh

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình cải tạo chung cư cũ, tiến độ triển khai chương trình rất chậm, hiệu quả chương trình còn thấp. Theo thống kê, trong số 25% chung cư xuống cấp nguy hiểm (chung cư hạng D), có một vài phần trăm là cực kỳ nguy hiểm, có thể sập đổ gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân.

Sống trong lo sợ

Chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 200m, khu chung cư cũ số 11 Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay gọi là khu tập thể Điện Cơ cũ được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nếu chưa từng bước chân vào khu nhà này, nhiều người khó có thể tin ngay giữa khu trung tâm thành phố lại có một khu nhà nhếch nhác và nhiều người đang phải sống lay lắt đến vậy.

Cụ Trần Ngọ nay đã gần 80 tuổi sống trong căn hộ 6m2 tại khu này từ những ngày đầu mới xây dựng. Căn hộ của cụ chỉ đủ kê được một chiếc giường đơn, tủ lạnh bé và xe đạp. Khách đến nhà chỉ có thể ngồi lên giường hoặc đứng.

Cụ Ngọ cho biết khu nhà có 4 tầng này, mỗi tầng có 10 căn hộ rộng từ 6m2 đến 12m2. Cả dãy chỉ có một nhà vệ sinh chung, các gia đình phải tự vá víu, cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm nên ngôi nhà vốn đã cũ kỹ càng thêm xập xệ, quá tải.

"Năm nào cũng có đoàn khảo sát xuống chụp ảnh nhưng mãi không thấy động tĩnh gì về việc cải tạo. Người dân ở đây khổ quá nên đành phải tự cải tạo chắp vá. Không biết đến lúc tôi chết khu nhà có được xây mới không?", cụ Ngọ băn khoăn nói.

Khu tập thể C5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng đã gần 60 năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà bị nghiêng, lún, những mảng tường, trần nhà, bong tróc, thậm chí có chỗ thành tường hở cả lõi sắt... đe dọa tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây.

Mỗi căn hộ ở đây có diện tích 19m2, đầu tiên dành cho 4 người độc thân ở, nhưng sau khi xóa bao cấp, cơ quan chức năng phân cho mỗi vợ chồng một căn hộ. Cứ thế theo năm tháng, nhiều thế hệ đã ở cùng nhau trong căn hộ với diện tích 19m2.

Thậm chí, một vài gia đình có đến 9 nhân khẩu chen chúc sống. Thêm vào đó, chỉ có một bếp ăn chung, nhiều nhà đã phải tự nấu bếp ga trong nhà hay đun bếp lò ngoài hành lang, nguy cơ gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Một số hộ dân sống tại khu nhà C5 Quỳnh Mai cho biết từ lúc xây đến nay, ngói không được đảo, cứ hễ trời mưa là dột. Vữa trát ở hai phía đầu đốc nhà có tác dụng chống thấm thì nay tồn tại để cho có. Tường gạch thì phủ nhiều màu hoen ố, bởi nắng mưa làm vụn gạch chảy ra bết vào tường.

Điểm chung giữa các khu tập thể cũ là nhà nào cũng cơi nới, cải tạo nên kết cấu nhà bị thay đổi, hệ thống chống thấm không đảm bảo, dẫn tới nước sinh hoạt, nước thải rò rỉ khắp nơi…

Tiến độ triển khai chậm, hiệu quả chương trình thấp, nhiều khu tập thể cũ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào… đó là tất cả những gì mà dư luận thấy trong thời gian vừa qua.

Doanh nghiệp không thể "gánh" hết

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng việc triển khai chương trình cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đã dựa quá nhiều vào xã hội hoá mà thiếu đi trách nhiệm quan trọng của Nhà nước.

Đặc biệt, với chủ trương xã hội hoá, Nhà nước đã giao cho chủ đầu tư cả nhiệm vụ điều tra xã hội học, tự thoả thuận với dân, tự lập quy hoạch để trình lên cơ quan quản lý phê duyệt.

"Chúng ta đã làm ngược vì quản lý quy hoạch và xây dựng quy hoạch là trách nhiệm của Nhà nước", ông Hùng nói.

Với nhà đầu tư, họ chỉ muốn tăng diện tích, tăng số tầng, tính toán để có đủ quỹ nhà tái định cư và phần diện tích dư ra để kinh doanh trên nguyên tắc có lãi mới làm.

Nhưng bên cạnh đó, Nhà nước lại quy định hệ số đền bù giải phóng mặt bằng từ 1,5 đến 2 lần, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư trong triển khai cũng như tạo áp lực về hạ tầng có hạn khi phải tăng số tầng của toà nhà trong nội đô và tăng mật độ dân số.

Nhà cao tầng chính là giúp giảm bớt ách tắc giao thông nếu như chúng ta biết thay đổi từ chuyển động ngang sang chuyển động đứng một cách đồng bộ. Tuy nhiên, nhà cao tầng được thiết kế thành khu đô thị nén, trong đó có trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng, bệnh viện, các khu dịch vụ, văn phòng ngay cạnh nhà ở thì người dân trong các khu đô thị này không còn phải di chuyển nhiều nữa.

Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm xây nhà cao tầng cũng là vấn đề phải quan tâm, bởi nội đô đã ách tắc lại cứ xây thêm nhà, tăng thêm dân số. Trong khi đó, việc giãn dân khỏi nội đô lại rất khó, do các khu này thiếu hạ tầng đồng bộ.

Theo ông Hùng, thời gian tới, Chính phủ cần phải cấm chính sách tạm cư, thay vào đó là xây các khu tái định cư đồng bộ cho di dân giải phóng mặt bằng.

Trước hết, Nhà nước cần quy hoạch lại các khu chung cư cũ. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phải có quyết định về khoản ngân sách dành cho vấn đề cải tạo chung cư cũ bởi đây là đầu tư xã hội.

Chính phủ cần phải có cơ chế chính sách cụ thể kêu gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, người dân phải có trách nhiệm cùng đóng góp một phần kinh phí để cải tạo chung cư cũ trên cơ sở Nhà nước cho trả dần với lãi suất ưu đãi như chính sách nhà xã hội khác.

"Nếu thực hiện được những vấn đề này thì chương trình cải tạo chung cư cũ mới phát huy hiệu quả", ông Hùng nhấn mạnh.