Cải thiện chất lượng tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thép
Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp thép Việt gia tăng cạnh tranh thời gian tới.

Áp lực mạnh mẽ từ thép Trung Quốc
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam hiện nay đang đứng đầu danh sách về các vụ kiện phòng vệ thương mại và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Riêng trong giai đoạn năm 2004 - 2022, các nước trên thế giới đã kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với gần 70 vụ việc.
Không chỉ xuất khẩu gặp khó, ngay tại thị trường trong nước, áp lực cạnh tranh cũng rất khốc liệt khi làn sóng thép nhập khẩu đang ồ ạt vào nước ta, nhất là với thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Những năm gần đây, ngành Thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung, chi phí sản xuất tăng. Trước xu hướng này, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư của mình sang các nước khác.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, 9 tháng năm 2024, cả nước nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,97 tỷ USD; trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 8,31 triệu tấn, chiếm 67,6% trong tổng lượng nhập khẩu.
Các chuyên gia cho rằng thị trường thép Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc. Việc nhập khẩu ồ ạt mặt hàng thép trong khi chưa có những hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm tra chất lượng đã khiến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp khó, nhất là khi giá bán của thép từ Trung Quốc thấp hơn nhiều so với thép Việt Nam, có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Cốt lõi cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Trước làn sóng thép Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, một số doanh nghiệp ngành Thép Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát tuân thủ chất lượng, điều tiết lượng hàng nhập khẩu; tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại.
Cạnh đó, tiến hành áp thuế cao đối với các hàng hóa nhập khẩu được trợ giá như nhiều quốc gia khác đã và đang thực hiện; tăng cường rà soát để tránh trường hợp thép giá rẻ Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác...
Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ, dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Ðó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, giá thành rẻ.
Vì vậy, cùng với các giải pháp bảo hộ phù hợp thông lệ quốc tế, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín, chủ động tái cơ cấu, tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm giảm giá thành sản phẩm, góp phần cạnh tranh tốt hơn.
Ðồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động được nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu với biên lợi nhuận cao.
Thời gian qua, một trong những doanh nghiệp thép thành công nâng cao năng lực cạnh tranh bằng năng suất và chất lượng là Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức.
Công ty đã kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động quản lý và sản xuất bằng công cụ 5S, đồng thời xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Đức trên thị trường.
Ngoài thép Việt Đức, việc chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cũng giúp Tập đoàn Tân Á Đại Thành gặt hái nhiều thành quả.
Nhờ nỗ lực áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại khép kín để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giờ đây, Tân Á Đại Thành đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng kim khí gia dụng và thiết bị ngành nước tại Việt Nam.