Cải tiến năng suất trở thành hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp

Tĩnh Đồng

Những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng dần trở thành hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp.

Thời gian tới, cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, trọng điểm của nền kinh tế. Ảnh: Internet
Thời gian tới, cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, trọng điểm của nền kinh tế. Ảnh: Internet

Tăng cường ứng dụng 5S, Kaizen

Nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì thực hiện, phổ biến, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho hàng chục nghìn doanh nghiệp.

Nhờ được hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng...

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp.

Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở nên quen thuộc với doanh nghiệp. Các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma... cũng được các doanh nghiệp ứng dụng nhiều hơn.

Đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng theo diện rộng

Nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng nhấn mạnh, trong áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý lựa chọn cho phù hợp với trình độ quản trị và đặc thù của doanh nghiệp.

Các hệ thống quản lý được tích hợp từ các hệ thống quản lý căn bản là những sự tham khảo tốt. Cụ thể gồm: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO 27000), hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000), hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội (ISO 26000), hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (ISO 45001)...

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái không ít thành công trong áp dụng các công cụ cải tiến cũng như hệ thống quản lý phù hợp. Điển hình có thể kể tới Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (Hà Nội).

Nhờ áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011, sử dụng nguyên liệu sinh khối biomass đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao su thay thế dầu DO, FO, Công ty này tiết kiệm được hơn 1,3 tỉ đồng (năm 2015), 803 triệu đồng (năm 2016) và hơn 1,4 tỉ đồng (năm 2017). Những năm sau đó, doanh nghiệp tiếp tục gặt hái thêm nhiều "trái ngọt".

Một trong những ví dụ điển hình áp dụng công cụ cải tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng thời gian qua còn có Công ty TNHH giầy Tân Hợp (Đồng Nai).

Doanh nghiệp này lựa chọn thực hành 5S từ tháng 8/2016 với sự tư vấn hướng dẫn của các chuyên gia. Chỉ sau thời gian ngắn, Công ty đã có những thay đổi đáng kể ở tất cả các bộ phận.

Trước khi thực hiện 5S, Công ty còn nhiều trang thiết bị chưa được sắp xếp hợp lý, thiếu khoa học, nhà xưởng còn rất nhiều rác, bụi. Kho vật tư, xưởng cơ khí là hai bộ phận có nhiều vấn đề nhất về không gian cũng như sắp xếp và quản lý.

Tuy nhiên, tại bộ phận kho vật tư - nguyên liệu, sau khi áp dụng phương pháp 5S, việc kiểm kê, xuất nhập hàng hóa hiệu quả hơn rất nhiều, không còn chênh số liệu thực tồn.

Việc áp dụng phương pháp 5S thường xuyên giúp tất cả nhân viên đều có thể tham gia hoạt động, nâng cao tinh thần tập thể, tạo sự hoà đồng của mọi người. Qua đó mọi người làm việc có thái độ tích cực, có trách nhiệm và ý thức trong công việc, từ đó năng suất, chất lượng công việc được tăng lên đáng kể trong doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhìn nhận, thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp theo diện rộng; tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, trọng điểm của nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng ngành...