Cải tiến quy trình, nâng cao năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp vượt qua dịch COVID-19


Theo các chuyên gia, để vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động cải tiến quy trình, nâng cao năng suất chất lượng…, qua đó từng bước ổn định và phát triển.

CTCP May Nam Hà đẩy mạnh áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, nhờ đó, năng suất tổng thể của doanh nghiệp đã tăng lên 23%.
CTCP May Nam Hà đẩy mạnh áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, nhờ đó, năng suất tổng thể của doanh nghiệp đã tăng lên 23%.

Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Khảo sát nhanh của Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) đối với gần 200 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp thường gặp một số khó khăn chính như thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản phẩm đầu ra bị tồn đọng, thu hẹp quy mô lao động hay năng suất lao động giảm rõ rệt... Nếu không có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời, phần lớn doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp về giải pháp hành động nhằm khắc phục khó khăn do dịch Covid 19 lần 2 vừa được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố mới đây cũng cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động có các giải pháp tích cực nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt khó khăn gây ra bởi dịch bệnh. 

Cụ thể, theo số liệu công bố từ khảo sát, một số doanh nghiệp đã thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%)... Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng mới chỉ 3% số doanh nghiệp cho biết áp dụng những giải pháp mang tính dài hạn và có ý nghĩa tiên quyết với sự tăng trưởng của doanh nghiệp như tập trung cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, mặc dù Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 trong 4 tháng đầu năm, song về cơ bản, những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới (như tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại...) được giữ vững.

Theo số liệu công bố từ khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, một số doanh nghiệp đã thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh (5% số doanh nghiệp trả lời), giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất (đều khoảng 4%)...

Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, nắm bắt được thực trạng cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục thực có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cả về trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động cải tiến quy trình, nâng cao năng suất chất lượng… Theo bà Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Cải tiến năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), đại dịch COVID-19 giúp cộng đồng doanh nghiệp thấy được những điểm nghẽn, yếu kém trong nội tại của mình. Tuy nhiên, để các thay đổi mang lại kết quả cao, các doanh nghiệp cần có những phân tích từng khâu, từng lĩnh vực sản xuất, thị trường… để từ đó có giải pháp cụ thể. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động để tạo sự đồng thuận và lôi kéo sự tham gia của toàn bộ người lao động.

Trên góc nhìn khác, ông Cao Hoàng Long - Trưởng phòng Quản lý giải pháp và Đổi mới sáng tạo (Viện Năng suất Việt Nam), doanh nghiệp cần thiết lập trung và dài hạn đối với việc nâng cao năng suất tổng thể, đào tạo nâng cao nhân lực cho đội ngũ nhận sự cũng như thiết lập củng cố nền tảng hiện trường sản xuất, tập trung vào những công đoạn đơn giản, làm giảm thao tác của người lao động hoặc giúp người lao động thực hiện các thao tác dễ dàng hơn, đỡ tốn sức. Đồng thời kiểm soát được lượng hàng tồn kho... cũng như thực hiện các công cụ cải tiến năng suất.

Thực tế thời gian qua, cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến quy trình, đổi mới nâng cao năng suất chất lượng để vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Trong đó, Công ty cổ phần (CTCP) May Nam Hà là một minh chứng điển hình. Theo đó, CTCP May Nam Hà đã áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen. Nhận thấy cải tiến năng suất, chất lượng là hoạt động liên tục, từ năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Viện Năng suất Việt Nam, công ty tiếp tục xây dựng mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A.

CTCP May Nam Hà đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Nhờ đó, năng suất tổng thể của doanh nghiệp đã tăng lên 23%. Bên cạnh đó, Công ty cũng phối hợp với đơn vị cung cấp thiết kế phần mềm chuyên dụng nhằm xây dựng quy trình cải tiến năng suất chuyền may. Nhờ đó, sản xuất thực tế đã tăng từ 70% lên 85% so với kế hoạch ban đầu, góp phần tăng năng suất lao động lên 30%.

Theo ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc CTCP May Nam Hà, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Công ty sử dụng tất cả các công cụ cải tiến năng suất trước đó đã áp dụng và khắc phục, cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất. Để duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty đã chủ động chuyển đổi nhanh hoạt động sản xuất, bảo toàn lực lượng lao động thông qua hoạt động đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động. Nhờ đó, Công ty đã phục hồi và tăng trưởng năng suất sau khi dịch bệnh kết thúc.