Cần ban hành Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Linh Nguyễn

Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được xây dựng nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
Tăng cường kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Thời gian qua, thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN.

Các văn bản này đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập.

Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN đã sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số tồn tại trong quy định về nội dung, trình tự thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và áp dụng chung cho cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc các bộ, ngành, địa phương khi kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ban hành đã được gần 10 năm, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ban hành được gần 05 năm, các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ pháp lý trực tiếp để quy định nội dung các Thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như: Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa (thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa); Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ;…

Hơn nữa, trong thực tiễn thi hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN đã bộc lộ một số nội dung quy định còn thiếu tính khả thi hoặc chưa được quy định; một số vấn đề chưa được rõ ràng, có những điểm còn thiếu tính thống nhất gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của cơ quan quản lý cũng như chưa đảm bảo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh…

Đáng chú ý, vấn đề nổi cộm nhất trong tình hình dịch bệnh vừa qua đó là xu thế áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa nói chung.

Hơn nữa, việc bán hàng qua mạng lại không cần có kho chứa/lưu hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa được kinh doanh, bán hàng theo hình thức thương mại điện tử như trên cũng cần được xem xét, nghiên cứu, bổ sung quy định, chế tài để triển khai…

Trước thực tế trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, để thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường… việc ban hành Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là phù hợp và rất cần thiết.

Mới đây, Dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đã được công bố và lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, bố cục của dự thảo Thông tư được chia thành 05 Chương, 15 Điều, cụ thể: Chương 1: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương 2: Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra (từ Điều 6 đến Điều 8); Chương 3: Xử lý vi phạm (từ Điều 9 đến Điều 10); Chương 4: Tổ chức thực hiện (từ Điều 11 đến Điều 13); Chương 5: Điều khoản thi hành (từ Điều 14 đến Điều 15); Phụ lục: Gồm 14 mẫu biểu.

So với Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN, dự thảo Thông tư đã điều chỉnh và bổ sung một số nội dung để phù hợp hơn với thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.