Thách thức áp dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng

Linh Nguyễn

Trong quá trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng nhờ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông biết, ngay từ năm 2009, Rạng Đông đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào KH&CN với các trường đại học lớn và xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số).

Mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới là các sản phẩm có thiết kế Việt Nam, sản xuất trên dây chuyền Việt Nam và kinh doanh trên nền tảng của Việt Nam nhưng vẫn mang lại năng suất cao, giá trị gia tăng cao, đáp ứng đủ điều kiện chất lượng để xuất khẩu.

Nhờ áp dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo từ rất sớm, nên doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn trước, đặc biệt giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15%-18%, lợi nhuận tăng khoảng 17 %.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là về nhận thức, thói quen. Bởi khi thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, cơ chế điều hành là phải thay đổi cả cách làm việc, thói quen. Một thách thức nữa là doanh nghiệp thiếu thông tin để xác định bước đi, lộ trình phát triển bằng KH&CN và đổi mới sáng tạo. 

Có thể thấy, không có mô hình mẫu về KHCN và đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp. Vì vậy,  quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp phải tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực, trình độ của mình. Điều này quyết định tính chất rủi ro khi lựa chọn đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần nhìn nhận thực tế rằng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong trong các doanh nghiệp sản xuất nước ta. Nhưng có một thực tế là nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Đổi mới sáng tạo công bố vào cuối năm 2021 chỉ ra số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ 4.0 như in 3D, robot còn rất ít. Chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của công nghiệp 3.0. Chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả. Đây là vấn đề đáng quan ngại.

Báo cáo của WB cũng đã phân tích các rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đổi mới. Trong đó, chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 20% hoạt động xuất khẩu còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ "tinh vi" về kinh doanh.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, có nhiều thách thức trong quá trình doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng suất chất lượng. Đầu tiên là về máy móc, thiết bị. Như đối với doanh nghiệp như Rạng Đông đã hình thành trên 60 năm, máy móc thiết bị có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, từ nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp công nghệ để tạo nên những kiến trúc hợp nhất các nền tảng công nghệ, máy móc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có nhiều sự lựa chọn về tài chính. Muốn thúc đẩy một nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm.