Cần cải thiện quy trình quản lý nợ công ở Việt Nam
Tại Tọa đàm trao đổi về những thông lệ tốt của quốc tế về các quy trình, thủ tục trong quản lý nợ công diễn ra trong hai ngày (20-21/6/2016) tại Hà Nội, các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để nâng cao hiệu suất và giảm rủi ro trong quản lý nợ công ở Việt Nam, cần cải thiện quy trình nghiệp vụ trong quản lý nợ.
Nhận diện quản lý rủi ro tác nghiệp
Theo định nghĩa của Basel II (2004), rủi ro tác nghiệp là rủi ro tổn thất do yếu kém hoặc bất cập về hệ thống, con người và quy trình nghiệp vụ hoặc do các sự kiện bên ngoài. Các chuyên gia WB cho rằng, ban đầu định nghĩa này áp dụng cho ngành Ngân hàng, nhưng sau đó áp dụng cả cho quản lý nợ của Chính phủ. Rủi ro tác nghiệp liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau của Cơ quan Quản lý Nợ (DMO).
Ông Alessandro Scipion – Chuyên gia quản lý tài chính công của WB chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện Kế hoạch đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ, ngày 21/6/2016. Ảnh: Văn Trường
Đơn cử về rủi ro liên quan đến quy trình, theo các chuyên gia WB, thiết kế quy trình chưa tốt (nghĩa là thiếu kiểm soát, thiếu xác nhận so với sổ sách của chủ nợ…). Điều này dẫn tới hệ quả là, bất cập trong quy trình (sai sót trong thanh toán, bị phạt…), hay thiếu định hướng chính sách sẽ dẫn tới ra quyết định không tốt gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Cơ quan Quản lý Nợ… Nói cách khác, quy trình nội bộ bất cập không chỉ dẫn đến tổn thất tài chính, mà còn gây mất lòng tin về các hành động của Chính phủ.
Để khắc phục những rui ro trong quản lý tác nghiệp, theo WB, điều quan trọng trên hết là phải nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp cao; tạo ra văn hóa về quản lý rủi ro; thiết lập cơ chế quản lý rủi ro tác nghiệp (ORM); và xây dựng kế hoạch đảm bảo tính liên tục về nghiêp vụ, và đánh giá thường xuyên kế hoạch đó.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi tọa đàm, ngày 21/6/2016. Ảnh: Văn Trường
Liên quan đến cơ chế quản lý rủi ro tác nghiệp, các chuyên gia WB cho rằng, cần xây dựng khung quản lý rủi ro tác nghiệp 6 bước: (i) Hiểu rõ và tài liệu hóa các hoạt động nghiệp vụ; (ii) Xác định, đánh giá và đo lường rủi ro; (iii) Xây dựng chiến lược quản lý rủi ro; (iv) Triển khai Cơ chế quản lý rủi ro tác nghiệp; (v) Theo dõi hiệu quả thực hiện; (vi) Cải thiện liên tục.
Tài liệu hóa các quy trình nghiệp vụ
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các cấp độ quy trình, thủ tục trong quản lý nợ công, các chuyên gia WB cho biết, để tài liệu hóa các quy trình nghiệp vụ cần hình thành một sơ đồ (danh sách) toàn bộ các quy trình nghiệp vụ trọng yếu, liệt kê các đầu vào, đầu ra, hệ thống và nhân sự của mỗi quy trình. Đồng thời, mô tả luồng công việc cho mỗi quy trình gồm các bước (nhiệm vụ, sự kiện hoặc quyết định), hình thành nên quy trình đó. Cùng với đó, hình thành nên “biểu đồ luồng công việc” để minh họa cho luồng công việc (biểu đồ).
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa các quy trình này, cần phải tuân thủ các cấp độ quy trình khác nhau, đó là, tái thiết kế toàn bộ quy trình nghiệp vụ của một tổ chức là một dự án dài và tốn nguồn lực. Nằm ngoài phạm vi của hoạt động hỗ trợ này.
Chẳng hạn như với loại quy trình vĩ mô tương ứng với quy trình huy động vay trong nước; Quy trình tương ứng với phát hành chứng khoán chính phủ; Loại tiểu quy trình tương ứng với mở lại trái phiếu kho bạc, đấu thầu tín phiếu kho bạc, mua lại, hoán đổi nợ; Loại thủ tục tương ứng với quy trình lập đề nghị thanh toán, xác định lợi suất chốt đấu giá.
Đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ
Trong bài tham luận trình bày về xây dựng và thực hiện Kế hoạch đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ, ông Alessandro Scipion – Chuyên gia quản lý tài chính công của WB cho rằng, cần chú trọng cung cấp liên tục các sản phẩm và dịch vụ quan trọng và xử lý được những trở ngại bất kỳ. Đồng thời, cần phải có kế hoạch phục hồi sau thảm họa chú trọng khôi phục các hoạt động nghiệp vụ bị gián đoạn do thảm họa gây ra.
Toàn cảnh Tọa đàm, ngày 21/6/2016. Ảnh: Văn Trường
Để đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ, ông Alessandro Scipion đã phân tích theo phương pháp luận Ian Storkey (2011). Theo đó, cơ chế đảm bảo tính liên tục về nghiệp vụ khôi phục sau thảm họa: Tài liệu hóa các hoạt động nghiệp vụ và các quy trình, hệ thống và nhân sự trọng yếu; thực hiện phân tích tác động nghiệp vụ để đánh giá về xác suất diễn ra và tác động của sự kiện; xây dựng Kế hoạch đảm bảo tính liên tục về nghiệp vụ/khôi phục sau thảm họa…; kiểm thử và cập nhật định kỳ hàng năm.
Sau khi hoàn tất phân tích tác động của nghiệp vụ, Cơ quan Quản lý Nợ (DMO) cần tập trung vào những rủi ro cao, xây dựng các chiến lược để nâng cao khả năng chống chọi và giảm thiểu rủi ro cao càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng vào công tác đào tạo cán bộ về Kế hoạch đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ. “Muốn đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ, ông Alessandro Scipion cho rằng, toàn bộ cán bộ của Cơ quan Quản lý Nợ cần tham gia đào tạo để nâng cao nhận thức cho cán bộ.
Ngoài ra, duy trì kiểm thử và cập nhật tài liệu Kế hoạch đảm bảo tính liên tục nghiệp vụ khôi phục sau thảm họa; kiểm thử khôi phục về công nghệ với khung thời gian là 6 tháng. Còn đối với kiểm thử mức độ thành thạo của cán bộ; kiểm thử theo kịch bản (bảng trắng) và kiểm thử đầy đủ (sự cố mô phỏng) tiến hành hàng năm.
Trong khuôn khổ 2 ngày diễn ra Tọa đàm về rủi ro tác nghiệp, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia tư vấn đến từ WB trình bày các bài tham luận: Giới thiệu về rủi ro tác nghiệp; Các chức năng của bộ phận trung tuyến: Chiến lược nợ trung hạn và giám sát; Tài liệu hóa các quy trình nghiệp vụ cho Cơ quan Quản lý Nợ; Xây dựng và thực hiện Kế hoạch đảm bảo tính liên tục của nghiệp vụ. Đồng thời, các đại biểu, diễn giả tham gia Tọa đàm tập trung thảo luận nhóm về các vấn đề quy trình nghiệp vụ, Kế hoạch đảm bảo tính liên tục về nghiệp vụ…/.