Bàn thêm về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ở Việt Nam

ThS. Lê Thị Thúy Hằng – Đảng ủy Khối các cơ quan TP. Hà Nội

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nguồn vốn vay (nợ công) luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, cùng với đó công tác quản lý, đảm bảo an toàn, bền vững nợ công là bài toán đặt ra với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nợ công của Việt Nam trong ngưỡng an toàn

Theo Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ban hành ngày 17/6/2009, phạm vi nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Tính đến ngày 31/12/2015, nợ công của Việt Nam ước ở mức 61,3% GDP. Tỷ lệ này nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội là không quá 65% GDP. Cơ cấu dư nợ công bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,3%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 18,2% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,5%. Đối với nợ Chính phủ, nợ trong nước chiếm khoảng 58% và nợ nước ngoài chiếm 42%, phù hợp với định hướng chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Trong nợ nước ngoài của Chính phủ, khoảng 94% danh mục là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi và quy mô huy động tương đối ổn định.

Ngoài ra, các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay theo hướng giảm kỳ hạn từ 10-15 năm, chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước đây. Nhiều khoản vay ODA có điều kiện ràng buộc từ bên ngoài, làm chi phí đầu vào cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ trong các trường hợp các dự án được vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ. Các khoản vay trong nước, lãi suất trái phiếu chính phủ trong nước nhìn chung liên tục giảm kể từ năm 2011. Tuy nhiên, lãi suất phát hành có xu hướng tăng lên kể từ đầu năm 2015 trước bối cảnh thị trường tài chính trong nước và thế giới có nhiều biến động bất lợi.

Cùng với hoạt động vay nợ, quản lý nợ, Bộ Tài chính luôn chủ động kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 13-14% so với tổng thu NSNN hàng năm và nằm trong giới hạn cho phép (không quá 25% tổng thu NSNN). Hệ thống thể chế chính sách quản lý nợ công tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng, ban hành bổ sung và hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nợ công.

Xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế trung hạn nhằm tăng cường huy động vốn vay dài hạn để tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn; báo cáo giám sát nợ, công khai thông tin về nợ công, qua đó đã tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành, phân tích, đánh giá, nghiên cứu về vấn đề nợ công của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý rủi ro về nợ công được chú trọng, chặt chẽ, hiệu quả và thường xuyên hơn ở tất cả các cấp từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chuyên ngành có liên quan. Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nợ công được đẩy mạnh, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với nợ công theo quy định của pháp luật.

Một số vấn đề đặt ra

Mặc dù chỉ số nợ công vẫn trong tầm kiểm soát ở ngưỡng an toàn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là tốc độ nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh (bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2011-2015) xuất phát chủ yếu từ áp lực gia tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Khối lượng huy động vốn trong nước tăng nhanh, vượt khả năng cung về vốn trung và dài hạn trên thị trường trong nước. Mặc dù, có những bước phát triển đáng kể, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ vẫn còn nhỏ chỉ bằng 14% GDP và bằng 63% quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (trong khi quy mô thị trường trái phiếu chính phủ của các nước trong khu vực vào khoảng 40% -70% GDP), nên khó có thể tiếp tục tăng quy mô huy động vốn trong nước trong các năm tới.

Bên cạnh đó, chi phí vay nước ngoài có xu hướng tăng lên, điều kiện vay từ các đối tác phát triển sẽ giảm dần tính ưu đãi. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới sẽ áp dụng điều khoản trả nợ nhanh với các khoản nợ Chính phủ. Điều này phần nào gây ảnh hưởng tới nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Mặt khác, hệ thống các công cụ quản lý và kiểm soát tình trạng nợ công còn thiếu, chưa hình thành các cơ chế và các công cụ để giảm thiểu rủi ro, cũng như chủ động điều chỉnh cơ cấu (kỳ hạn, lãi suất, đồng tiền…) của nợ công trong quá trình hoạt động; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nợ công chưa cao, chế tài xử lý chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng các chủ dự án, các bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành đầy đủ các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu nguồn vốn từ NSNN và yêu cầu quản lý nợ công; Công tác quản lý nợ công còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương, gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nợ công, chủ động trả nợ, giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của pháp luật.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo tính an toàn, bền vững của nợ công cần tập trung tái cơ cấu các khoản nợ công, quản lý chặt chẽ các khoản vay mới; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, tạo điều kiện tăng thu NSNN... Cùng với các giải pháp được cơ quan quản lý nhà nước đề ra, chúng tôi cho rằng cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện tổ chức tổng kết, đánh giá lại Chiến lược nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Luật Quản lý nợ công, trên cơ sở đó kiến nghị với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; đẩy mạnh huy động các khoản vay trung, dài hạn, triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Cần có chế tài tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, đầu tư công và quản lý nợ công; từng bước giảm tỷ lệ vốn đầu tư của nhà nước, tăng xã hội hóa. Việc vay nợ phải tuân thủ chương trình quản lý nợ trung hạn, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm đã được phê duyệt. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian hoàn vốn, giảm thiểu chi phí vay góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức cao hơn giai đoạn 2011 – 2015, tạo điều kiện tăng thu NSNN, giảm áp lực chi NSNN về an sinh xã hội.

Thứ năm, giai đoạn tới, chính sách thu, đặc biệt là thu nội địa tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo huy động mức phù hợp với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời giảm thiểu tác động giảm thu do cắt giảm thuế quan để hội nhập quốc tế và giảm thu từ dầu thô.

Thứ sáu, giảm áp lực chi NSNN, việc cơ cấu lại NSNN cũng sẽ được tiếp tục triển khai, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống khoảng 58% (giảm khoảng 9 -10% so với tỷ trọng bố trí dự toán năm 2015), tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm trong tổng chi NSNN đạt khoảng 19 – 20%. Đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; tăng chi trả nợ, giảm số vay đảo nợ; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công kết hợp xã hội hóa, cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả chi, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN