Chuyên gia lo ngại nợ công ở Việt Nam tăng nhanh

Minh Hà

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhận diện nợ công ở Việt Nam hiện nay và vấn đề đặt ra” do Khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tổ chức ngày 18/5, các chuyên gia, nhà khoa học lo ngại tỷ lệ nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh trong những năm gần đây và đang đe dọa đến khả năng trả nợ hàng năm của Chính phủ. Muốn giải quyết được vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước cũng như tăng cường kiểm soát các khoản nợ và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Tái cơ cấu ngân sách nhà nước

Đánh giá tổng thể “bức tranh” nợ công ở Việt Nam trong những năm qua, GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm khoa Tài chính, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính cho rằng, ở Việt Nam, các khoản vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công đã có những tác động tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo sau 30 năm đổi mới.

Nhìn nhận thẳng thắn về nợ công ở Việt Nam trong những năm gần đây, GS.,TS. Nguyễn Công nghiệp lo ngại, tỷ lệ nợ công đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP đang tăngnhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao; thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, trong khi tốc độ chi tăng nhanh làm cho cân đối NSNN hết sức căng thẳng và bị động, đang đe dọa đến khả năng trả nợ hàng năm của Chính phủ.

Chuyên gia lo ngại nợ công ở Việt Nam tăng nhanh - Ảnh 1

GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.


“Việc sử dụng vốn vay có những biểu hiện lãng phí, tiêu cực và kém hiệu quả, một số khoản vay do Chính phủ bảo lãnh đã không thu xếp được nguồn để trả nợ khi đến hạn... Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ cần phải có những biện pháp căn cơ và hiệu quả đểgiải quyết thấu đáo”, GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lo lắng khi cho rằng nợ công của Việt Nam tăng quá nhanh, đến năm 2015, nợ công của Việt Nam đã lên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng vào năm 2011.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh khác về cách tính nợ công của Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, không nhất thiết tính nợ của DNNN vào nợ công.

TheoCục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), huy động nợ công trong giai đoạn 2011 - 2015 được hơn 2,7 triệu tỷ đồng, bìnhquân 14% GDP, chiếm khoảng 44 % tổng vốnđầu tư phát triển toàn xã hội, tốcđộ tăng bình quân hàng nămở mức nhanh 16,7%/năm.

Tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.

Từ thực tế tình hình như vậy, trong khuyến nghị chính sách của mình, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần xây dựng một lộ trình tái cơ cấu ngân sách nhà nước với những bước đi đồng bộ, thích hợp như: tinh giảm bộ máy; thực hiện công khai minh bạch; thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân đối với chi tiêu công, đầu tư công; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư công, mua sắm công, cắt giảm chi tiêu thường xuyên…

Số liệu nợ công đưa ra là chính xác

Trước các câu hỏi của các nhà khoa học và chuyên gia tại Hội thảo lo ngại về số liệu nợ công, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định, số liệu nợ công do Bộ Tài chính đưa ra là chính xác. “Đây là số liệu tính đúng theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành của Việt Nam”, ông Long, nói.

Cũng theo ông Long, việc tổ chức huy động và sử dụng vốn vay đã được triển khai trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Những vấn đề đặt ra đối với nợ công hiện nay

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc quản lý nợ công ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề sau:

Thứ nhất, tốc độ nợ công đang tăng nhanh. Mặc dù chỉ số nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát, những tốc độ nợ công đang tăng nhanh (từ 50,7% năm 2010 lên 32,2% năm 2015) và tiệm cận giới hạn cho phép, xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.


Thứ hai, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay vốn nước ngoài theo hướng giảm kỳ hạn từ 10-15 năm chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước.

Thứ ba, việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của Nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến, tổ chức thực hiện 1 số dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu, công tác đền bù, di dân giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, các công cụ quản lý nợ còn thiếu, chưa đảm bảo chủ động. Việc xây dựng, triển khai các công cụ nợ (chiến lược nợ dài hạn; chương trình quản lý nợ trung hạn; kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của Chính phủ…) còn mang tính bị động, chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính ngân sách và đầu tư công trung hạn…

Thứ năm, công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành địa phương gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nợ công, chủ động trả nợ, giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của pháp luật./.