Cần chế tài xử phạt mạnh đối với doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH
Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động diễn ra khá phổ biến.
Ðiều này gây khó khăn không chỉ đối với cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.Quyền lợi người lao động bị xâm phạm
Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ). Chẳng hạn, tại TP. Đà Nẵng, tính đến hết tháng 6/2018, vẫn còn gần 6.000 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số nợ trên 367 tỷ đồng, trong đó hơn 400 đơn vị nợ kéo dài trên 12 tháng với tổng số nợ 123 tỷ đồng của gần 2.000 lao động; hơn 1.200 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 đến dưới 12 tháng. Đáng chú ý, trong số hơn 367 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN có gần 65 tỷ đồng là nợ khó thu. Đây là số nợ của gần 900 đơn vị đã hoặc đang phá sản, giải thể, chủ DN bỏ trốn, mất tích… BHXH TP. Đà Nẵng đã hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan Công an đề nghị xem xét, điều tra xử lý hình sự đối với 5 đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ nợ và đơn vị nợ BHXH trên địa bàn Tỉnh cũng diễn ra khá phổ biến. Tính đến hết tháng 6/2018, chỉ riêng trên địa bàn TP. Nha Trang đã có tới 1.014 DN nợ BHXH. Theo BHXH tỉnh Khánh Hòa, số nợ BHXH tính đến tháng 6/2018 là gần 92 tỷ đồng, giảm 24,63% so với cùng kỳ. Số nợ BHXH có giảm nhưng tình hình thu hồi nợ đọng BHXH khá khó khăn. Nhiều đơn vị có số nợ BHXH lớn nhưng thiếu phối hợp của cơ quan BHXH để trả nợ…
Theo ông Dương Văn Hào - Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước, việc chậm đóng, đóng thiếu hoặc trốn đóng vẫn thường xuyên xảy ra; Chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như: Mức xử phạt thấp; lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất tiền vay của các ngân hàng thương mại nên nhiều DN chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng nguồn BHXH…
Khởi kiện DN nợ BHXH - Giải pháp mạnh nhưng còn có vướng mắc
Một trong những giải pháp mạnh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ là khởi kiện các DN nợ BHXH. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, song kết quả chưa như mong muốn, việc khởi kiện vẫn còn vướng mắc về nhiều mặt. Dẫu vậy, tình hình DN nợ đọng BHXH đã có chuyển biến nhất định. Trong các vụ kiện, phần lớn, cơ quan BHXH đều thắng kiện và đòi được nợ. Kể từ ngày 1/7/2016, việc thực hiện khởi kiện các DN nợ BHXH ra tòa được giao cho tổ chức công đoàn. Điều này tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục, cần sớm được tháo gỡ.
Chẳng hạn, tại Khánh Hòa, từ cuối năm 2016, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã khởi kiện một số đơn vị, DN nợ BHXH tính đến thời điểm khởi kiện là hơn 38 tỷ đồng. Trong quá trình làm thủ tục khởi kiện đã có 2 đơn vị tiến hành nộp với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng, còn lại hơn 30 tỷ đồng chưa thu được. Ngày 3/1/2017, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa nhận được thông báo của Tòa án nhân dân Tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung đơn kiện với một số nội dung như: Cung cấp văn bản ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở; chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa NLĐ với người sử dụng lao động, giữa tập thể NLĐ với người sử dụng lao động... Tuy nhiên, thực tiễn tại các DN cho thấy, việc lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền của tất cả NLĐ hoặc công đoàn cơ sở là không thực hiện được do khó tập hợp NLĐ. Do không bổ sung được những nội dung tòa yêu cầu, Tòa án nhân dân Tỉnh đã trả lại toàn bộ đơn khởi kiện cho Liên đoàn Lao động Tỉnh, vì hết thời hạn 15 ngày bổ sung đơn kiện.
Khó khăn khác là chủ tịch công đoàn cơ sở là người đang thực hiện hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động cho nên không đứng nguyên đơn khởi kiện chủ DN, đồng thời không dám ký giấy ủy quyền cho tổ chức công đoàn cấp trên khởi kiện. Do vậy, công đoàn cấp trên chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý để khởi kiện dù biết DN đã vi phạm quyền lợi về BHXH của NLĐ. Về thủ tục khởi kiện, còn nhiều vướng mắc, cụ thể như Liên đoàn Lao động Tỉnh đại diện NLĐ khởi kiện, phải căn cứ theo Bộ luật Lao động nên rất phức tạp, vướng mắc với nhiều thủ tục.
Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm xem xét “cởi trói” một số quy định về thủ tục để tổ chức công đoàn đại diện tập thể NLĐ khởi kiện DN trả nợ BHXH cho NLĐ một cách hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan quản lý có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn các nội dung còn bất cập, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, quy trình trong tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; giao thẩm quyền cho ngành BHXH thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về chính sách BHXH, BHYT; có giải pháp cụ thể giải quyết các trường hợp DN nợ BHXH mà chủ sử dụng lao động bỏ trốn…