Cần đột phá thể chế phát triển nông nghiệp
(Tài chính) Để khắc phục đà suy giảm của nông nghiệp, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, bài học lịch sử cho thấy cần phải có đột phá về thể chế như “Khoán 10” vào những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đó, nền nông nghiệp có thể phát triển dựa trên quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị và cải thiện khả năng hấp thụ vốn, công nghệ.
Trong khi rất cần vốn để phát triển thì đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất thấp, giảm từ 8,5% năm 2000 xuống còn 6,2% năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1 - 2% tổng vốn FDI. Cùng với đó, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm; ô nhiễm môi trường tăng…
Theo các chuyên gia, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng nền nông nghiệp hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận định, nông nghiệp trồng trọt của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt với nhiều mặt hàng như lúa gạo, cà phê, cao su… Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung vào vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực thì Việt Nam càng cần phải phát huy thế mạnh này. Những lợi thế về nông nghiệp trồng trọt cho phép Việt Nam có thể trở thành hình mẫu trong phát triển nông nghiệp, mang lại lợi ích cho nông dân, đất nước và góp phần vào sự ấm no của nhân loại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, vai trò trung tâm của kinh tế hộ gia đình không thể đưa nền nông nghiệp phát triển bởi thiếu lợi thế về quy mô; không gắn kết tốt với chuỗi giá trị từ khâu giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường; hộ gia đình cũng không phải là tổ chức có thể hấp thụ hiệu quả được vốn, kỹ thuật.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, đột phá ở thể chế trong phát triển nông nghiệp có nhiều nội dung. Trong đó cần phải có đột phá về thể chế trong tổ chức mô hình, phương thức sản xuất quy mô lớn ở những vùng có điều kiện, bên cạnh vai trò của hộ gia đình. Đột phá này sẽ khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục các bất cập mà sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình không giải quyết được, đồng thời hướng đến một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững.
Bên cạnh đó, cần phải có phương thức tăng vị thế của người nông dân trong mặc cả hàng hóa trên thị trường nhằm phân phối hợp lý thu nhập; tìm phương thức cụ thể gắn hỗ trợ trực tiếp của nhà nước ở một mức độ nhất định nhằm điều hòa thu nhập bấp bênh của người nông dân. Cũng có thể nghiên cứu tìm cách phối hợp tạo ra hàng hóa công cộng trong nước và khu vực như cung cấp sản phẩm cho các chương trình dự trữ quốc gia của nước ta và các nước khác…
Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững cả về tự nhiên và xã hội, bảo đảm môi trường trong sạch, góp phần xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, hướng tới trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đề án này chưa đề cập sâu sắc và thỏa đáng yếu tố cải cách thể chế nhằm giải quyết vấn đề liên kết, tổ chức mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.
Rõ ràng, cần sớm nghiên cứu, đưa ra các chính sách đột phá trong cải cách thể chế để nông nghiệp nông thôn có thể phát triển bền vững, không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế, mà hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành thương hiệu của quốc gia.