Cần huy động cả nguồn lực tư nhân tham gia vào dự án điện hạt nhân

Trần Huyền

Thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân để giảm bớt áp lực cho Nhà nước cũng như đảm bảo đội ngũ nhân lực có trình độ làm chủ công nghệ, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ

Đóng góp ý kiến về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại phiên họp của Quốc hội ngày 17/2, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Đại biểu chia sẻ, hiện nay nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách, nhiều động thái mới liên quan đến điện hạt nhân. Một số quốc gia đang mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân, tập trung vào xây dựng và nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân để tăng công suất sản xuất điện. Đặc biệt, nhiều quốc gia đang xem xét để triển khai năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thải carbon.

Do đó, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, tăng nhanh của Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân là một yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật. Theo Đại biểu, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và mặt tích cực, Dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, cần được xem xét cẩn trọng như vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào dự án, chính sách này có thể nghiên cứu tương tự phát triển Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Cơ chế này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Nhà nước về vốn, nhân lực, đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án, cũng như hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ làm chủ công nghệ, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy. Nhiều nhân lực từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc ở bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo nghị quyết chưa nêu cơ chế, chính sách đặc thù đối với vấn đề này như đào tạo đội ngũ cán bộ, thu hút, tìm, chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.

Đại biểu Dương Khắc Mai lo ngại, nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp sẽ khó triển khai thực hiện và vận hành dự án trong nước trước mắt và dài hạn. Vì vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực của Dự án này, đảm bảo sự chủ động tối đa.

Bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân

Cùng quan tâm đến dự án điện hạt nhân, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho hay, điện hạt nhân là một công nghệ thương mại trên thế giới với nhiều nhà cung cấp. Có 431 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại 32 quốc gia trên thế giới, trong đó có 8 quốc gia làm chủ công nghệ nhà máy điện hạt nhân công suất lớn thế hệ 3, 3+ với những tính năng ưu việt và vượt trội về an toàn, đó là Liên bang Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada.

Chia sẻ kinh nghiệm từ một số quốc gia, Đại biểu đánh giá việc áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Việc vận hành, bảo dưỡng và cung cấp nhiên liệu cũng do nhà thầu chính cung cấ một thời gian sau khi nhà máy đã đi vào vận hành.

Chính phủ cũng đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn đối với các đối tác có đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng. Theo Đại biểu, hình thức này nhằm đảm bảo khả năng vận hành, bảo dưỡng nhà máy liên tục, trong trường hợp khi hết hợp đồng chìa khóa trao tay mà chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành vẫn chưa thể hoàn toàn vận hành và bảo dưỡng nhà máy.

Tuy nhiên, Đại biểu kiến nghị, về lâu dài, Nhà nước cũng như chủ đầu tư cần có kế hoạch chuẩn bị năng lực kỹ thuật quốc gia thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật và các chương trình đào tạo được ký kết với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử. Đây là luật chuyên ngành với mục đích tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của quốc gia dựa trên các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.

Theo Đại biểu, đây một căn cứ vô cùng quan trọng để ban hành các văn bản quy phạm và hướng dẫn bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, trong đó có các vấn đề như thiết kế nhà máy điện hạt nhân, chế tạo và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vận hành thử, vận hành chính thức nhà máy điện hạt nhân, quản lý thải phóng xạ, tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân cũng như nguyên tắc quốc tế về ứng xử với nhà máy điện hạt nhân.

Cũng đề cập đến phát triển nguồn nhân lực và đào tạo, Đại biểu thông tin, theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, số lượng nhân lực cho 2 tổ máy với công suất khoảng 1.200 MW là 1.200 người với chuyên môn bao gồm từ công nghệ hạt nhân, hệ thống điều khiển thiết bị kỹ thuật điện cơ khí, bảo vệ bức xạ hóa học, ứng phó sự cố vật lý như trong thủy nhiệt, quản lý thải phóng xạ, quản lý chất lượng, quản lý, bảo dưỡng và quản lý phụ tùng thay thế. Đồng thời, để đảm bảo phát triển bền vững ngành Công nghệ điện hạt nhân thì Việt Nam rất cần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, các kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu cũng lưu ý cần làm tốt công tác truyền thông và hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng có dự án để tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân có đời sống tốt hơn khi nhường đất để xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân.