Phát triển chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Huy Nguyễn

Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi cung ứng pin trong nước vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu với không ít thách thức đặt ra. Do đó, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hỗ trợ ngành pin.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo tham vấn: "Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng (Việt Nam)" do Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 20/2/2025, tại Hà Nội.

Hội thảo khởi động này là một cấu phần quan trọng trong khuôn khổ chương trình của ETP/UNOPS về tăng cường môi trường đầu tư và huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng được thiết kế để hỗ trợ Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như: niken, coban và đất hiếm. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi cung ứng pin của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu với nhiều thách thức cần vượt qua. Năng lực sản xuất các vật liệu quan trọng này còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ còn cần hoàn thiện và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng được thể hiện qua các quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực. Đặc biệt, ngành xe điện (EV) của Việt Nam đang trên đà phát triển với mục tiêu đạt 100% xe điện vào năm 2050. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu lớn về pin, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Do đó, để đạt được mục tiêu này, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ nhấn mạnh, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hỗ trợ ngành pin.

Bàn về chuỗi cung ứng pin, bà Nguyễn Ngọc Thủy – Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS chia sẻ, nhu cầu pin được thúc đẩy bởi xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS), với các thị trường chính tại Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Năm 2024, nhiều sáng kiến tập trung vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo vệ các ngành Công nghiệp và tăng cường ảnh hưởng trong lĩnh vực pin. Điển hình như: Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã chỉ đạo khoản tài trợ 3 tỷ USD để hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng pin cho xe điện và lưới điện; Canada đã cho ra mắt trung tâm khoáng sản quan trọng và đầu tư vào sản xuất và khả năng truy xuất nguồn gốc, nhưng tạm dừng các khoản trợ cấp cho xe điện.

Hay tại Trung Quốc - quốc gia này đã giới thiệu các tiêu chuẩn ngành mới nhằm loại bỏ năng lực chất lượng thấp, đồng thời, đưa ra đề xuất cấm xuất khẩu công nghệ cho các sản phẩm LFP CAM cao cấp và chế biến lithium. Đặc biệt, Trung Quốc giảm hoặc loại bỏ khoản trợ cấp thuế xuất khẩu đối với nhiều sản phẩm liên quan đến pin và gia hạn chính sách giảm thuế, miễn thuế đối với xe điện đến năm 2027; cùng với đó là triển khai chương trình thu hồi xe ưu tiên cho xe điện.

Còn tại Việt Nam, để hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, thì việc tiến hành chuyển đổi năng lượng, phát triển pin lưu trữ cho hệ thống năng lượng cũng như phát triển ngành Xe điện là vô cùng cần thiết.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách trong thúc đẩy chuỗi cung ứng pin, tăng trưởng xanh được thể hiện tại: Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển và hoàn thiện các chính sách sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao doanh nghiệp và khởi nghiệp xanh; đồng thời, khuyến khích việc áp dụng các mô hình quản lý chuỗi cung ứng tiên tiến phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp sản xuất.

PGS. TS. Đinh Công Hoàng – Chuyên gia dự án khuyến nghị, để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu, Việt Nam cần triển khai các chiến lược phát triển bền vững như: đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất pin tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. 

“Việc thực hiện đồng bộ các chiến lược này sẽ giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu”, PGS. TS. Đinh Công Hoàng nhấn mạnh.