Nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

PV

Tại Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 232/QĐ-TTg vừa được Chính phủ phê duyệt đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ cho từng bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng chính sách tài chính và cơ chế đấu giá hạn ngạch để triển khai hiệu quả thị trường các-bon.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng chính sách tài chính và cơ chế đấu giá hạn ngạch để triển khai hiệu quả thị trường các-bon.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn: Trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm, và từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.

Để triển khai hiệu quả thị trường các-bon, Chính phủ đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ cho từng bộ, ngành và cơ quan liên quan. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng chính sách tài chính và cơ chế đấu giá hạn ngạch. Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các chính sách giảm phát thải trong lĩnh vực của mình.

Cụ thể, về hàng hóa trên thị trường các-bon, Đề án tập trung vào xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phân bổ hạn ngạch phát thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải, sẽ xây dựng và phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030, với phân kỳ thực hiện đến năm 2025.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng giai đoạn và hàng năm, cũng như kế hoạch phân bổ hạn ngạch phát thải đến năm 2030.

Trong quá trình triển khai thí điểm, nghiên cứu và đề xuất các quy định về chuyển nhượng tín chỉ các-bon, tạo điều kiện cho các giao dịch giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Để đảm bảo quản lý chặt chẽ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quy định về quản lý tín chỉ carbon trong khuôn khổ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.

Cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đánh giá, công nhận các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế, tổ chức xác nhận hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch các-bon, đồng thời rà soát, đề xuất và xây dựng các quy định về đấu giá hạn ngạch phát thải.

Về chủ thể tham gia thị trường các-bon, Đề án tập trung vào việc xác định đối tượng tham gia giao dịch và đảm bảo sự minh bạch trong thị trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật và điều chỉnh danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, xây dựng quy định về các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon để đảm bảo thị trường phát triển có kiểm soát, tránh tình trạng thao túng hoặc thất thoát tài nguyên quốc gia.

Việc nghiên cứu và đề xuất các quy định về tổ chức hỗ trợ giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện để phù hợp với quy mô và tình hình phát triển của thị trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mở rộng chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch trong tương lai.

Về hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch các-bon tập trung vào thiết lập và vận hành các công cụ quản lý thị trường. Bộ Tài chính xây dựng Nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch carbon trên cơ sở Luật Bảo vệ Môi trường, đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động giao dịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết lập và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon để quản lý và giám sát các giao dịch. Bộ Tài chính rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý để cung ứng dịch vụ sàn giao dịch các-bon...

Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam lập phương án chi tiết xây dựng sàn giao dịch, triển khai hệ thống giao dịch và thanh toán tín chỉ carbon. Để đảm bảo tính liên kết quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kết nối thị trường trong nước với thị trường tín chỉ các-bon khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.

Về tổ chức vận hành thị trường, tập trung vào việc xây dựng quy trình vận hành, giám sát và đánh giá hiệu quả thị trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các quy định tổ chức vận hành thị trường, rà soát và đánh giá các chương trình, thỏa thuận hợp tác trao đổi tín chỉ các-bon, nhằm đảm bảo việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam. Xây dựng quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, đo đạc và báo cáo giảm nhẹ phát thải.

Bộ Tài chính rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí liên quan đến thị trường các-bon, đồng thời nghiên cứu cơ chế quản lý nguồn thu từ đấu giá hạn ngạch.

Để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch, cũng như xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến thị trường các-bon. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, tổng kết quá trình thí điểm thị trường, đề xuất giải pháp khắc phục nếu có, đồng thời định hướng phát triển chính thức thị trường trong giai đoạn tiếp theo.

Về nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong việc tiếp cận và tham gia thị trường, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cổng thông tin điện tử thị trường carbon, khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp; xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển thị trường...

Với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp trên, thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ phát triển minh bạch, bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế xanh và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.