Cần sớm luật hóa về phát triển công nghiệp

Theo Lan Nhi/laodong.vn

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm có luật điều chỉnh để phát triển nền công nghiệp quốc gia bền vững, doanh nghiệp công nghiệp dù đã tham gia sâu vào sân chơi toàn cầu nhưng vẫn rất “cô đơn” vì chưa có luật.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp dù đã tham gia sâu vào sân chơi toàn cầu nhưng vẫn rất “cô đơn” vì chưa có luật để phát triển bền vững.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp dù đã tham gia sâu vào sân chơi toàn cầu nhưng vẫn rất “cô đơn” vì chưa có luật để phát triển bền vững.

Ngành có vị thế quan trọng

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế, đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP của Việt Nam. Đây cũng là ngành xuất khẩu chủ lực, đưa năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam tăng 16 bậc và được đánh giá là một trong những nước tăng hạng cao nhất trong khối ASEAN.

Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ: "Cơ cấu các ngành công nghiệp trong 10 năm qua cũng chuyển biến tích cực. Trong đó, ngành khai khoáng đóng góp vào GDP đa dạng dần so với các năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp chung như năm 2010 đóng góp 13% GDP, đến năm 2020 đã tăng lên 16 - 17% GDP. 

Cơ cấu sản phẩm đã có sự dịch chuyển về các sản phẩm công nghệ cao, từ đó hình thành các tập đoàn có quy mô lớn, có sự cạnh tranh toàn cầu. Bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp trong nước cũng có sự phát triển mạnh mẽ, hình thành các ngành công nghiệp cơ bản".

Đánh giá cao về lộ trình phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - cũng khẳng định, sự phát triển của công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp chế tạo nói riêng đã có những bước phát triển mạnh. Việt Nam đang được xếp hạng là một trong những nước có năng lực cạnh tranh trung bình cao trên thế giới.

Tuy nhiên, theo TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ, trong bối cảnh cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chuyển đổi số..., nhưng giá trị gia tăng, trình độ phát triển khoa học - công nghệ ở ngành chế biến, chế tạo chưa được quan tâm và phát triển đồng đều, sản phẩm có hàm lượng công nghệ còn thấp. Trong ngành sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo còn phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện từ nước ngoài.

Sắp trình Chính phủ dự án Luật Phát triển công nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, những chính sách ban hành thời gian qua chưa đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển. Đặc biệt, quá trình sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, cần thiết phải có luật điều chỉnh để phát triển nền công nghiệp quốc gia. Luật này không chỉ tạo khuôn khổ pháp lý mà còn tạo điều kiện, tạo nguồn lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành công nghiệp nói chung. 

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ngành công nghiệp Việt Nam - tuy đã có chuyển biến đáng kể nhưng năng suất lao động, giá trị gia tăng còn thấp. Một số ngành được coi là công nghệ cao nhưng các khâu, quy trình mà Việt Nam đảm nhiệm lại là công nghệ thấp, cần nhiều lao động giản đơn, người giám sát.

Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế gia công. Tỷ lệ lao động được đào tạo trong công nghiệp chỉ chiếm 66% trong nền kinh tế. Sự liên kết các doanh nghiệp trong nước chưa làm được chứ chưa nói đến liên kết với doanh nghiệp FDI.

"Chúng ta đã có chiến lược phát triển công nghiệp nhưng nên cụ thể hóa thành khung pháp luật, chính sách. Cần thiết phải có Luật Phát triển công nghiệp với các chính sách để định hướng liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo ra mạng lưới liên kết vùng, các cụm, các chuỗi công nghiệp..." - TS. Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thông tin.