Cần sự quản lý của nhà nước đối với bitcoin?

Theo Minh Huệ/tapchithue.com.vn

Nhà nước và người dân cần nhìn nhận và đối xử với bitcoin như thế nào là chủ đề đáng quan tâm tại cuộc trao đổi “Bitcoin và làn sóng blockchain” do Báo NHD tổ chức ngày 20/11.

Các diễn giả tại cuộc trao đổi. Nguồn: Internet
Các diễn giả tại cuộc trao đổi. Nguồn: Internet

Là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017, bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số trên nền tảng công nghệ blockchain đã thực sự tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.

Tại Việt Nam, nơi được đánh giá là một trong những thị trường sôi động, bên cạnh những mới mẻ và cơ hội, người tham gia vào cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro, từ những bất trắc vốn có của mô hình mới, đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo. Những rủi ro này ngày càng lớn theo quy mô đầu tư, trong bối cảnh mà Việt Nam, cũng như nhiều nước, chưa có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và cập nhật để điều chỉnh với các sản phẩm mới.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty luật BASICO, hiện tượng bitcoin hiện nay tương tự cách đây 11 năm, khi nhiều người lao vào đầu cơ chứng khoán. Về lý thuyết, bitcoin có thể lên đến 1 triệu bitcoin và cũng có thể mất hết sau một đêm, vì không có bất kỳ cơ sở nào. Pháp luật chỉ quy định, tài sản sở hữu gồm 3 loại là vật, tiền và tài sản.

Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào, mà có thể coi là một vật phẩm ảo, hay còn gọi là tiền ảo, nhưng bản chất, bitcoin không phải là tiền, không phải phương tiện thanh toán; không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán. Hiện tại chưa có luật cụ thể nào quy định về bitcoin. Pháp luật cũng chưa cho phép sàn bitcoin hoạt động, mà chỉ là đơn vị tài chính tư vấn, môi giới.

Quy định pháp luật chỉ bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin, nhưng khi vì một lý do nào đó, bitcoin mất giá hay biến mất, thì không có quy định pháp luật nào liên quan. “Do vậy, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu cơ mảo hiểm, mà là đầu cơ vô cùng mạo hiểm” -  luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh một cách hóm hỉnh. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hữu Đức, thành viên ban quản trị câu lạc bộ công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Vietnam) cho biết, đây là câu chuyện khá phức tạp vì có yếu tố cách mạng công nghệ. Đối với người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thì đây là xu thế tất yếu và mọi người cần chấp nhận. Đối với nhà đầu tư thì đây là một cơ hội, còn dưới góc độ của vị chuyên gia này thì ông thấy câu chuyện về bitcoin đang khá nguy hiểm.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bitcoin chưa thể coi là tiền, vì tiền cần ngân hàng trung ương công nhận và hiện cũng chưa có tỷ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác.

Đồng tiền dựa trên blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại, nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm trên chưa thể gọi là đồng tiền. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm cục than nóng? Khi đầu cơ quá lớn vấn đề sẽ là hậu quả về sau.

Cùng với đó, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh, như việc mua đồng tiền ở Việt Nam và rút ở Liên Xô hay Mỹ. Nhà nước cần đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn những biến tướng của bitcoin thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có sự quản lý của cơ quan nhà nước đối với bitcoin. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, khi bong bóng bitcoin nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm về hậu quả.

Bên cạnh đó, việc quản lý, lưu ký tài sản ảo là khá phức tạp. Nếu những người lưu ký có ý đồ xấu có thể thế chấp tài sản này. Điểm quan trọng nhất của công nghệ là con người sử dụng công nghệ đó, nếu không có khung pháp lý sẽ không bảo vệ được người dân trước những rủi ro.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức bình luận, không nên đi theo hướng xây dựng luật để kiểm soát bitcoin, mà trước tiên, cần phải định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì, từ đó mới có thể nghiên cứu những quy định cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền, sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét; nếu là công cụ tài chính sẽ theo pháp luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa chứ không phải tạo ra luật mới để kiểm soát.