Cần thị trường để xử lý dứt điểm nợ xấu

Theo daibieunhandan.vn

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trong tầm tay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục hoàn thiện thị trường mua bán nợ để Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) có thể bán được nợ…

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trong tầm tay. Nguồn: internet
Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trong tầm tay. Nguồn: internet

Nợ xấu đã không còn “xấu”

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 8.2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9.2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản bảo đảm, chuyển nợ thành vốn góp. Như vậy, ngành ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao những năm trước đây về mức 3,21% vào tháng 8.2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Để giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, NHNN đã phải sử dụng nhiều giải pháp mạnh và quyết liệt. Đơn cử, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC chiếm tới 41,3% số nợ được xử lý thì NHNN cùng lúc phải tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, kèm theo áp dụng mọi biện pháp hỗ trợ như quản lý cấp phép, kiểm soát tăng trưởng tín dụng… để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu như tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế chia cổ tức (thậm chí tổ chức tín dụng không được chia cổ tức) bằng tiền để tăng cường năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, thực hiện cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ ngân hàng thương mại (NHTM), TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, nợ xấu đã không còn xấu lắm. Đặc biệt, nợ xấu đa phần có tài sản bảo đảm bằng bất động sản nên về cơ bản nợ xấu càng để lâu càng có giá, khi thị trường bất động sản đang hồi phục. Có thể nói rằng, đến nay, phần lớn nợ xấu đã được đưa ra khỏi sổ sách của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho dòng vốn tín dụng lưu thông trở lại.

Làm gì để VAMC bán được nợ

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bán số nợ xấu được VAMC mua về? TS. Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, cùng với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đã tích cực triển khai công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Đến nay, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán trái phiếu đặc biệt đạt 13.320 tỷ đồng. Ông Hùng cũng thừa nhận, so với thực trạng nợ xấu, kết quả bán nợ, tài sản bảo đảm còn rất khiêm tốn. Bởi thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, nợ xấu đã được bán cho VAMC.

Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, tổ chức tín dụng không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do tài sản bảo đảm có giá trị kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm, tuy nhiên khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đã đi khỏi địa phương...

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, chúng ta đang xử lý nợ xấu giống cách của Singapore là VAMC mua nợ vào và xử lý trong dài hạn. Theo ông Hùng, vai trò của VAMC đã được nâng lên do Nghị định 34/2015/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thêm quyền năng cho VAMC song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề về hành lang pháp lý để có thể xử lý nhanh và dứt điểm được nợ xấu. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện thị trường mua bán nợ để VAMC có thể bán được nợ, thì nợ xấu mới được xử lý trọn vẹn.