Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, ngày 13/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH 14. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó đã đề cập đến hoạt động thương mại điện tử và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp nhằm thực hiện quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 đã bổ sung hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện QLT hoạt động TMĐT. Điều 15 Luật QLT quy định chi tiết về trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành trong QLT đối với hoạt động TMĐT.

Theo đó, Bộ Công Thương kết nối, cung cấp thông tin liên quan, phối hợp với Bộ Tài chính trong QLT đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phối hợp với cơ quan QLT để QLT đối với hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; kết nối, cung cấp thông tin liên quan với cơ quan QLT đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan QLT liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan QLT thực hiện biện pháp cưỡng chế; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, cũng như thực hiện thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác QLT đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT… Căn cứ các quy định pháp luật và tình hình thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện các chính sách thuế và công tác QLT đối với TMĐT phù hợp với từng loại hình hoạt động, từng mô hình hoạt động TMĐT.

Luật QLT năm 2019 quy định, hoạt động TMĐT cũng phải áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Cụ thể:

Về đăng ký thuế

Việc đăng ký thuế của tổ chức có hoạt động TMĐT thực hiện theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký thuế. Theo đó, các tổ chức có hoạt động TMĐT đăng ký thuế được chia thành 3 nhóm sau:

- Các doanh nghiệp (DN) được thành lập theo pháp luật Việt Nam, thưc hiện đăng ký thuế như các DN khác.

- Các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam có thu nhâp TMĐT phát sinh tại Việt Nam có đăng ký văn phòng điều hành hoặc tương đương thực hiện đăng ký thuế nhà thầu nước ngoài.

- Các DN, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu nước ngoài; tổ chức có hợp đồng, văn bản hợp tác với cá nhân nộp thay thuế cho cá nhân (tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay thuế) thực hiện đăng ký thuế.

- Đối với cá nhân có hoạt động TMĐT:

+ Cá nhân cú trú tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế đối với cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN) và theo Luật QLT.

+ Cá nhân nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam có hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam, nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thực thực hiện đăng ký thuế nhà thầu.

+ Các tổ chức khấu trừ nộp thay cá nhân có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác với cá nhân nộp thay cho cá nhân thực hiện đăng ký thuế.

Thực tế cho thấy, việc đăng ký thuế của các tổ chức có hoạt động TMĐT cơ bản được quản lý thuận lợi hơn so với đăng ký thuế của các cá nhân. Cơ quan thuế đã thực hiện tổng hợp, lập danh sách các DN là đại lý, cơ quan đại diện của các tổ chức hoạt động TMĐT ở nước ngoài, yêu cầu các tổ chức này thực hiện đăng ký thuế nhà thầu, kê khai, nộp thay thuế GTGT và thuế TNDN cho các nhà thầu nước ngoài. Về cơ bản các tổ chức được rà soát đã thực hiện đầy đủ quy định về QLT.

+ Đối với đăng ký thuế của cá nhân có hoạt động TMĐT hiện nay: Việc đăng ký thuế đối với cá nhân được thực hiện đầy đủ và thuận tiện ở việc rà soát các cá nhân có hợp đồng hợp tác, cam kết với các tổ chức, DN Việt Nam và nước ngoài như: các cá nhân là đại lý của Google, Grap… hoặc một số đối tượng có nội dung sáng tạo và thu nhập từ Youtube, bán hàng qua các trang TMĐT...

Khai, nộp thuế

Đối với các DN được thành lập theo pháp luật Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế GTGT, thuế TNDN và Luật QLT. Cụ thể:

- Đối với cá nhân cứ trú tại Việt Nam có hoạt động TMĐT có tổng doanh thu trong năm kể cả các loại hình kinh doanh khác trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

- Các cá nhân kinh doanh có địa chỉ giao dịch cố định và các hoạt động trên mạng chỉ là việc quảng cáo nhằm mở rộng khách hàng. Đối với trường hợp đã thuộc diện QLT thì cập nhật thông tin về giao dịch trên mạng của cơ sở kinh doanh để điều chỉnh tăng doanh thu kinh doanh nếu phù hợp. Trường hợp cá nhân kinh doanh không có địa điểm cố định để giao dịch với khách hàng, chỉ có địa chỉ trên mạng và số tài khoản cá nhân, bán hàng theo hình thức giao hàng tận nơi. Trường hợp này, cơ quan thuế đã thực hiện phối hợp với các nhà mạng để xác định danh tính cá nhân, số tài khoản ngân hàng, phương thức giao hàng để yêu cầu cá nhân khai thuế theo từng lần phát sinh theo quy định.

- Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh TMĐT có thu nhập phát sinh tại Việt Nam: Nếu người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các DN, hợp tác xã được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì người mua hàng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế nhà thầu để nộp thuế theo quy định. Trường hợp người mua hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ là các tổ chức, cá nhân khác thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại Điều 42, Luật QLT năm 2019.

- Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính

- Một số hoạt động TMĐT có đơn vị đại diện tại Việt Nam thực hiện phương thức khai, nộp thuế được khấu trừ tại nguồn ở đơn vị đại diện như các đại lý, đối tác Google, Facebook...

Quản lý thông tin người nộp thuế

Quản lý tốt thông tin người nộp thuế TMĐT là nền tảng quan trọng để QLT đối với hoạt động TMĐT. Vấn đề đầu tiên là thu thập thông tin người nộp thuế TMĐT. Năm 2012, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu QLT đối với hoạt động TMĐT đặt tại Tổng cục và bộ phận thường trực tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về các loại hình kinh doanh TMĐT nhằm nhận diện các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam..

Kết quả cho thấy, cơ quan thuế đã rà soát và quản lý thông tin các DN là đại lý của Google, Facbook. Các đơn vị này đã thực hiện nộp thuế nhà thầu từ năm 2013 đến nay theo quy định của chính sách thuế Việt Nam. Quản lý thông tin người nộp thuế cũng đã thực hiện phân loại, tổng hợp danh sách các DN kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, truy cập internet, quảng cáo trực tuyến, game, dữ liệu, môi giới, làm tiền đề cho QLT hoạt động TMĐT của các tổ chức này.

Kiểm tra, thanh tra người nộp thuế và xử lý nợ thuế

 Các cục thuế địa phương đã thực hiện tăng cường kiểm tra, thanh tra các DN có hoạt động TMĐ, lập báo cáo để từ đó đánh giá việc chấp hành pháp luật thuế của nhóm đối tượng này. Một số cục thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các DN có hoạt động kinh doanh TMĐT. Điển hình như: Quảng cáo trực tuyến, trò chơi trực tuyến, dịch vụ thẻ cào, bán hàng qua mạng… Qua đó, đã xác định được các dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

+ Đối với tổ chức: Việc thanh tra thuế chủ yếu dựa vào dấu hiệu về sự phát triển của hoạt động TMĐT như số lượng giao dịch, doanh thu và thu nhập ước tính để thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Cụ thể, các hoạt động quảng cáo trực tuyến của Google và Facebook đã được thực hiện kiểm tra thông qua rà soát, thống kê các DN là dại lý hoặc khách hàng mua dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các nhà thầu nước ngoài. Qua rà soát đã yêu cầu các tổ chức này thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.”

+ Đối với cá nhân: Cá nhân nhận thu nhập từ DN được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Theo đó, căn cứ vào tài khoản ngân hàng và thu nhập từ nước ngoài chi trả cho các cá nhân để rà soát nhằm thanh tra, kiểm tra thuế. Kết quả việc thanh tra, kiểm tra đã thu thuế của nhiều cá nhân có thu nhập từ TMĐT.  Tập trung chủ yếu là các cá nhân có thu nhập từ các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Google…

Giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thuế và dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế

Hiện nay, hoạt động kinh doanh TMĐT, là loại hình kinh doanh tương đối mới, cơ quan thuế mới chỉ chú trọng đến các khâu QLT như: đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, quản lý thông tin người nộp thuế, kiểm tra thanh tra người nộp thuế… Về nội dung giải quyết khiếu nại, tranh chấp về thuế, hiện chưa có nhiều trường hợp phát sinh trong thực tế. Dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế kinh doanh TMĐT cũng không có gì khác biệt so với dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, ngành Thuế đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT “trên các thông tin đại chúng nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm rõ chính sách thuế, tự thực hiện kê khai, nộp thuế.”

Một số vướng mắc, tồn tại

Về đăng ký thuế: Phần lớn các cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh, khiến cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Đăng ký thuế của cá nhân có hoạt động TMĐT hiện nay là vấn đề khó quản lý. Thực tế hiện nay chỉ mới động viên, tuyên truyền các cá nhân tự giác thực hiện việc đăng ký thuế. Đồng thời, qua kiểm tra, rà soát để đưa các cá nhân vào diện quản lý và yêu cầu đăng ký thuế đối với các cá nhân đó.

Về kê khai, nộp thuế: Thực trạng kê khai, nộp thuế đang phát sinh các vướng mắc sau:

- Khó bắt buộc các tổ chức cá nhân thực hiện khai thuế, đặc biệt các loại hình bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến thông qua Google, Facebook, Zalo... Trong đó, các hành vi mà DN (như Google, Facebook…) vi phạm thường không kê khai hoặc kê khai sai doanh thu thuế GTGT; Không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam.”

- Một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh điều chỉnh hoặc khó xác định tính chất ngành nghề kinh doanh, từ đó khó xác định chính sách thuế áp dụng. Ví dụ như dịch vụ gọi xe công nghệ và các giao dịch tiền “ảo”… Các hoạt động như kinh doanh trong game, cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lớn, nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ…

- Vấn đề xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh TMĐT còn phức tạp và khó khăn. Việc theo dõi, kiểm soát lượng hàng hóa, dịch vụ và doanh thu phát sinh của các hoạt động TMĐT còn khó, chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và giao dịch thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. Các hoạt động bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khó bắt buộc thực hiện kê khai, nộp thuế vì khó quản lý các giao dịch hàng hóa.

- Việc thực hiện thanh toán chủ yếu vẫn là dùng tiền mặt. Nếu thanh toán qua ngân hàng thì tài khoản ngân hàng chưa đăng ký với cơ quan thuế, nên cơ quan thuế còn gặp khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh TMĐT.

- Quản lý thu thuế còn khó khăn đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới, ví dụ trường hợp cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, dịch vụ du lịch đăng ký trực tuyến. Khách hàng sử dụng dịch vụ thường trả tiền trực tiếp cho DN ở nước ngoài, sau đó DN nước ngoài này lại chuyển tiền phòng cho khách sạn, cơ sở lưu trú... nên khó xác định giao dịch, cũng như doanh thu của DN nước ngoài để tính, khấu trừ tiền thuế.

Về quản lý thông tin người nộp thuế: TMĐT có tính chất đặc thù như quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Quản lý thông tin người nộp thuế là đối với hoạt động bán hàng qua mạng vẫn là vấn đề khó hiện nay. Thực tế, bán hàng trên mạng xã hội hiện nay có tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hoá trên Facebook, nhưng thông tin của tổ chức, cá nhân không rõ ràng, giao dịch bằng tiền mặt, chỉ sử dụng các trang mạng hoặc mạng xã hội làm nơi quảng cáo…

Về thanh tra, kiểm tra thuế: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động TMĐT nhằm phát hiện các sai phạm, đòi hỏi cán bộ thuế phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ và phải giỏi về các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ để truy vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, thực hiện QLT đối với hoạt động TMĐT thông qua các sàn giao dịch, ứng dụng giao dịch trực tuyến mà qua đó hoạt động giao dịch hàng hoá được thực hiện. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để quản lý và thu thuế đối với hoạt động TMĐT sẽ khả thi và có hiệu quả về mặt chi phí. Theo đó, các sàn giao dịch, ứng dụng giao dịch trực tuyến sẽ thực hiện thu thập và lưu trữ thông tin về nhà cung cấp hàng hoá. Các sàn giao dịch chịu trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế tới nhà cung cấp hàng hoá, người có thu nhập phát sinh, thực hiện khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập hoặc doanh thu cho người cung cấp hàng hóa hoặc phát sinh thu nhập, kể cả đối với hoạt động cung cấp hàng hoá của nhà cung cấp nước ngoài thông qua các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam thực hiện khấu trừ theo quy định về thuế nhà thầu nước ngoài.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin trong QLT đối với hoạt động TMĐT. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng hoá đơn điện tử trong hoạt động cung cấp hàng hoá dịch vụ. Xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế, tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng liên quan, nhất là hệ thống ngân hàng và các nhà cung cấp mạng, viễn thông… cũng như tích hợp các thông tin từ các sàn giao dịch trực tuyến, các website bán hàng, trang mạng xã hội nhằm đảm bảo đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác QLT.

Thứ ba, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong QLT đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt là Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông trong cơ chế phối hợp thông tin về người kinh doanh TMĐT, thanh toán và các thông tin khác nhằm thực hiện QLT.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng tìm kiếm, khai thác và thu thập thông tin trên mạng internet nhằm nhận diện các đối tượng không tuân thủ thuế. Tổ chức tập huấn về các hình thức kinh doanh TMĐT, các kỹ năng thanh tra kiểm tra, phân tích và khôi phục dữ liệu kinh doanh của DN.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

2. Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam;

3. Lê Xuân Trường (2018), Giáo trình quản lý thuế, NXB Tài chính;

4. Vũ Văn Cương (2012), Pháp luật quản lý thuế trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội.