Cần xây dựng song hành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp vi mạch bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử; là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…
Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21. Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình. Việt Nam đang đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử và được quốc tế đánh giá là nước có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng sẽ có 7 trụ cột trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó gồm: nghiên cứu và phát triển; nguồn nhân lực chất lượng cao; hạ tầng công nghệ và sản xuất; chính sách và khung pháp lý; thị trường và ứng dụng; hợp tác và liên kết; công nghiệp phụ trợ. Theo ông Sơn, trụ cột thứ 7 là công nghiệp phụ trợ là trụ cột Việt Nam đang yếu khi công nghiệp phụ trợ hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có thiết kế hay sản xuất chất bán dẫn… mà có nhiều công đoạn khác, liên quan tới các ngành công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ cho bán dẫn là tập hợp các ngành công nghệ, có tác dụng hỗ trợ và tham gia từ nghiên cứu, thiết kế tới gia công, chế tạo chuỗi các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử.
Công nghiệp bán dẫn không chỉ là sản xuất các chất bán dẫn, các tấm wafer và các chip điện tử. Ngay cả để làm được các sản phẩm này, cũng cần các ngành công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm vô cùng quan trọng cho công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, phải kể đến các hệ thống cơ khí chính xác, các hệ thống máy CNC, hệ thống điều khiển tự động trong các dây chuyền chế tạo chất bán dẫn, các máy quang khắc chế tạo vi mạch, các hệ thống máy móc và công nghệ làm sạch chất bán dẫn, các hệ thống bốc bay, lắng đọng pha hơi khí…, thậm chí cả các hệ thống tạo chất nền, lưới bóng… Ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy cần tới hàng chục công nghiệp phụ trợ khác nhau và đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Muốn xây dựng công nghiệp bán dẫn, chắc chắn phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.
Việc các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nội địa chưa đủ khả năng tiếp cận đối với các công nghệ chíp bán dẫn trên thế giới cũng làm hạn chế việc trở thành đối tác cho các tập đoàn lớn như Samsung tại Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải nhận định để trở thành vendor của Samsung nói riêng và các tập đoàn công nghệ lớn nói chung có ý nghĩa bước ngoặt với các doanh nghiệp tại Bắc Ninh nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung.
Dự thảo Chiến lược, Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phải có danh mục các ngành công nghiệp phụ trợ cần phát triển và xây dựng song hành, thậm chí đi trước một bước so với công nghiệp bán dẫn. Nếu không, sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho công nghiệp bán dẫn, bên cạnh năng lực về công nghệ, cũng cần phải được trang bị các hệ thống máy móc tinh vi và hiện đại nhất. Trong tương lai gần, chúng ta chưa thể chế tạo được các hệ thống máy móc này mà phải nhập khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn phải gấp rút xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để có thể nắm thế chủ động trong sản xuất và cải tiến công nghệ. Việc này cũng cần sự hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược, mới có thể thành công.
Hiện, đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị).