Tỉnh Cà Mau:

Cần xử lý nghiêm kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu

Theo Minh Luân/Báo Bạc Liêu

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.

Đội QLTT số 2 tịch thu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Hòa Bình. Ảnh: T.Q
Đội QLTT số 2 tịch thu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Hòa Bình. Ảnh: T.Q

Đủ loại hàng giả

Mặc dù lực lượng chức năng đã chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường. Tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, túi, đồng hồ, mỹ phẩm...  “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas...

Ngoài việc làm giả mạo sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bị làm giả với thủ đoạn nhập hàng kém chất lượng từ nước ngoài để ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam. Điều này không chỉ thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của hàng Việt Nam.

Mới đây, Đội QLTT số 2 phối hợp với Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy (cơ sở Bảy Chín và cơ sở Tuyến ở huyện Hòa Bình) kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra

Theo Cục QLTT tỉnh Cà Mau, chỉ tính trong tháng 1/2022, Cục đã kiểm tra, xử lý 12 vụ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda. Thời điểm trong và sau tết Nguyên đán 2022, các đội nghiệp vụ Cục QLTT cũng phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa giả mạo thương hiệu, chủ yếu là nước sơn, mỹ phẩm, quần áo, mắt kính thời trang, đồ điện tử, gia vị…

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cùng với tăng cường công tác quản lý địa bàn, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và kinh doanh trái phép, Cục QLTT tỉnh Cà Mau tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, tịch thu, xử phạt và tiêu hủy hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhất là hàng vi phạm về giả mạo nhãn hiệu.

Tuy nhiên, bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, chủ sở hữu quyền thương hiệu cũng cần kiên trì và phối hợp chặt chẽ để thực hiện kế hoạch hành động chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để phân biệt hàng thật, hàng giả nhằm tránh “tiền mất tật mang”.