Cảnh giác với lạm phát
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV và cả năm 2016 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố chiều 16/1, “mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đặt ra là một ngưỡng cao và tương đối tham vọng, đòi hỏi quyết tâm lớn và điều kiện thuận lợi mới làm được. Do đó, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà dẫn tới buông lỏng ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cũng cho thấy lạm phát đang quay trở lại và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vào năm 2017”.
Tăng trưởng cả năm 2016 đạt 6,21%
Kinh tế thế giới quý IV và cả năm 2016 đã chứng kiến những biến động lớn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, tuy nhiên kinh tế trong nước quý IV tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu phục hồi sau nửa đầu năm suy giảm mạnh.
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV và cả năm 2016, tăng trưởng quý IV đạt 6,68%, cao hơn so với mức 6,56% của quý III. Trong đó, nông nghiệp cao hơn 9 tháng năm nay và đạt 2,96% trong 3 tháng cuối năm. Chỉ số hoạt động kinh tế Việt Nam quý IV đạt 6,53%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với quý III. Kết quả này chủ yếu nhờ những tín hiệu tích cực trong nhập khẩu và tăng trưởng tín dụng nhanh 3 tháng cuối năm.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% năm 2015 và mục tiêu 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9.
Về mặt bằng giá, Báo cáo cho thấy lạm phát tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và xăng dầu, lạm phát toàn phần cuối năm 2016 tăng 4,74%. Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cho rằng, dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra thì các cơ quan điều hành vẫn phải theo sát diễn biến giá cả thời gian tới.
“Năm 2017, nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công là không thể trách khỏi. Nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán cũng có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC, đều đã đạt được đồng thuận về cắt giảm sản lượng”, ông Thành nói.
Khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đặt ra là một ngưỡng cao và tương đối tham vọng, tuy nhiên TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng Chính phủ đã tạo động lực, đó là cải cách và chúng ta phải giữ được cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Hiện nay chúng ta đang làm điều đó nhưng hiệu quả chưa đến ngay. Nếu chúng ta kiên định làm điều này, tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn, để các doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy được kinh doanh trong một môi trường công bằng, ít rủi ro, chi phí giảm xuống để có cơ hội về lợi nhuận nhiều hơn thì đó chính là động lực. Động lực này không chỉ cho năm 2017 mà lâu dài, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Tăng cường nội lực
VEPR dự báo, với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, tăng trưởng 2017 sẽ là 6,4%, và đây vẫn là con số tốt so với khu vực. Tuy nhiên, tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được, nếu Chính phủ cải cách mạnh mẽ hơn và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, ở Việt Nam, năm đầu tiên sau Đại hội Đảng bao giờ cũng tăng trưởng vừa phải, vì bộ máy các cấp mới nhận trách nhiệm. Do đó, việc kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong các năm sau là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thông thường tăng trưởng cao hay đi đôi với lạm phát cao, “Năm 2017, ngoài sức ép về lạm phát do tăng trưởng trong nước có thể tạo ra thì còn xu hướng thay đổi về giá cả của quốc tế. Vì vậy, cân nhắc của Chính phủ chính là việc đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát của 2017” - TS. Vũ Sỹ Cường nhận định.
Lo lắng khi lạm phát có nguy cơ bùng phát trong năm 2017, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, nếu lạm phát vượt 5% như dự báo của VEPR sẽ gây những tác động tâm lý không hay đến thị trường tài chính, các thị trường nói chung và đặc biệt là có thể phải thay đổi lãi suất cũng như tỷ giá. Đấy là một loạt biến động vĩ mô kéo theo và sẽ gây ra rung chuyển hay là những thay đổi lan tỏa vào trong thị trường, làm cho diễn biến kinh tế năm 2017 cũng như điều hành kinh tế vĩ mô, hay công tác dự báo, lên kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phức tạp, khó khăn hơn.
“Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,7% mà duy trì lạm phát dưới 5% là khó, hai mục tiêu nay như cái bập bênh. Nhưng để hướng tới mục tiêu 6,7%, hoặc đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là trong 5 năm trung bình là 6,5% thì phải cải cách từ bây giờ. Cải cách môi trường kinh doanh, tạo sức cạnh tranh doanh nghiệp cũng là một ví dụ… Chính phủ đã đề ra rất nhiều chính sách với những ý tưởng đúng, trúng nhưng thực hiện còn chậm. Mong Chính phủ kiên nhẫn với những cải cách đã đề ra và vấn đề là phải làm thực”.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Chính phủ trong năm tới có một loạt vấn đề cần giải quyết và đòi hỏi giải quyết một cách căn cơ, dài hạn hơn, chứ không thể xử lý kiểu từng việc, đứt đoạn, hay giải quyết theo kiểu ngắn hạn như trước. Bà Lan cũng hy vọng những cải cách thể chế mới của Chính phủ sẽ tạo được cảm hứng cho tăng trưởng năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, sẽ là cải cách trung hạn, tạo nền tảng cho phát triển dài hạn của Việt Nam.
Những cải cách này sẽ giúp tăng cường nội lực kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. “Chưa bao giờ bối cảnh thế giới đặt cho chúng ta yêu cầu phải có nội lực mạnh như bây giờ. Nội lực mạnh ở đây bao gồm cả sức mạnh của nền kinh tế cũng như thể chế, điều hành của Nhà nước trong dẫn dắt nền kinh tế, dẫn dắt phát triển đất nước. Hy vọng Chính phủ mới sẽ thực sự hành động, và phải tạo được niềm tin không chỉ trong nước mà trên thế giới”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.