Thay đổi cách tính lạm phát

PV.

Từ năm 2017, thay vì tính chỉ số lạm phát bằng cách so sánh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 năm nay so với CPI của tháng 12 năm trước, Việt Nam sẽ áp dụng tính chỉ số lạm phát dựa trên bình quân CPI của 12 tháng trong năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cách tính chỉ số lạm phát này sát với thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Từ trước tới nay, Việt Nam đều tính chỉ số lạm phát bằng cách so sánh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 năm nay so với CPI của tháng 12 năm trước.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, cách tính lạm phát theo mức tăng CPI tháng 12 năm nay với cùng thời điểm tháng 12 năm trước chỉ phản ánh được giá tháng cuối năm chứ không nói được sự biến động của các tháng còn lại trong năm. Bên cạnh đó, khi tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cũng cần dựa vào chỉ số CPI bình quân năm nên nếu giữ cách tính lạm phát như cũ sẽ không thống nhất

Đối với mục tiêu kiểm soát CPI năm 2017 ở mức 4% mà Quốc hội đề ra, nhiều chuyên gia dự báo sẽ khó đạt được bởi tình hình thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều diễn biến bất thường.

Giá xăng dầu thế giới dự báo khả năng tiếp tục tăng trong năm nay; mức lương tối thiểu vùng tăng 6,7 - 7,5% từ 01/01/2017; mức lương cơ sở tăng 7,4% từ 1/7/2017 và việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa dịch vụ quan trọng như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước… sẽ là các yếu tố tác động lên mặt bằng giá.