Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Đã có vốn nhưng vẫn lo
Chiều 4/12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin về tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hiện đã bàn giao 100% mặt bằng cho doanh nghiệp dự án và các đơn vị thi công cũng đã triển khai thực hiện thi công 21/21 gói thầu xây lắp (đạt khoảng 27% tổng giá trị công trình). Tổng vốn đầu tư của dự án là 12.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn BOT là 10.482 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng.
Tỉnh đã tiếp nhận nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ và đã có quyết định giao vốn cho các đơn vị liên quan. Trong số này, hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp thi công dự án khoảng hơn 1.445 tỷ đồng và hoàn ứng ngân sách tỉnh hơn 278 tỷ đồng. Số tiền còn lại khoảng 450 tỷ đồng dùng để đầu tư một số hạng mục xây lắp trong dự án. Gút mắc nhất hiện nay là nguồn vốn tín dụng vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư dự án chưa giải quyết xong. Hiện tỉnh đã đề nghị các ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn sớm hoàn thành các thủ tục để ký các hợp đồng cho vay vốn để giải ngân vốn tín dụng cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, theo phương án tài chính được duyệt, các ngân hàng sẽ tham gia tài trợ vốn cho dự án là 6.686 tỷ đồng. Trong này, Ngân hàng Công thương Việt Nam cam kết cho vay 3.300 tỷ đồng; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cam kết cho vay 886 tỷ đồng; Ngân hàng NN-PTNT cam kết cho vay 1.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển cam kết cho vay 1.500 tỷ đồng. Các bên đã ngồi lại với nhau và thống nhất đến tháng 9-2019, các ngân hàng sẽ kết thúc kiểm tra, thẩm định dự án để đến tháng 10-2019, ký hợp đồng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp để triển khai thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Theo ông Lưu Xuân Thủy, nếu ngân hàng không cho vay được thì cũng nên thông báo cho nhà đầu tư biết để tìm nguồn vốn khác, như phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư dự án…
Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, so với tiến độ chi tiết ký kết ban đầu thì đến nay dự án đã trễ, không còn thời gian dự phòng. Nhưng trên tinh thần đã cam kết, tỉnh đảm bảo dự án thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào ngày 30-4-2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh sẽ cố gắng vận động các ngân hàng cho vay vốn để làm dự án, mặt khác sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.