Cấu trúc vốn và khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS.Nguyễn Kim Hùng - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh 3 TP. Hồ Chí Minh

Cấu trúc vốn ngân hàng được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu này xem xét yếu tố: Cấu trúc vốn (CAP) và các biến kiểm soát gồm Quy mô ngân hàng (SIZE), tỷ lệ cho vay (LOAN), Tỷ trọng tiền gửi khách hàng (DEPOSIT), Rủi ro tín dụng (RISK) và GDP tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng. Bằng phương pháp hồi quy S-GMM và phần mềm Stata 17, kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố này đều có tác động đến khả năng sinh lời, từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết

Các khái niệm

Cấu trúc vốn là sự kết hợp của các loại vốn được sử dụng để tài trợ cho quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) như cổ phần thường, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn thường xuyên và cổ phần ưu đãi. Cấu trúc vốn tối ưu xảy ra ở điểm mà tại đó tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn, tối thiểu hoá rủi ro và tối đa hoá giá trị DN (Trần Ngọc Thơ và Vũ Việt Quảng (2007).

Cấu trúc vốn trong ngân hàng có những đặc trưng riêng vì phải đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về an toàn vốn. Một trong những yêu cầu của ngân hàng trung ương đó là khi các cung cấp các hợp đồng tiền gửi, với đặc thù các hợp đồng tiền gửi thì khách hàng có quyền rút bất kỳ thời gian nào, chính vì không thể dự đoán được khi nào thì người gửi tiền cần tiền do đó ngân hàng trung ương (NHTW) đòi hỏi các ngân hàng thương mại (NHTM) phải thiết lập một khoản bảo hiểm tiền gửi để tránh sự rút tiền ồ ạt (Diamond và Dybvig, 1983).

Các chỉ tiêu thường gặp để phản ánh cấu trúc vốn DN gồm tỷ lệ tỷ lệ tự tài trợ và tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (CSH). Trong nghiên cứu này, để đánh giá ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến khả năng sinh lời (KNSL) của các NHTM Việt Nam, tác giả sử dụng tỷ lệ tự tài trợ làm chỉ tiêu đại diện cho cấu trúc vốn khi nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố này đến KNSL của ngân hàng.

KNSL là thước đo hiệu quả bằng tiền, đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng (Demirguc-Kunt, 1989). Nhìn ở góc độ vĩ mô thì một ngân hàng có lợi nhuận tốt sẽ giúp vượt qua các cú sốc bên ngoài, nâng cao danh tiếng của ngân hàng, giúp hệ thống tài chính đi vào ổn định (Aburime, 2008). Lợi nhuận là khoản thu nhập dôi ra bằng tổng số thu về trừ tổng số đã chi (Samuelson và Nordhaus, 2001).

Các lý thuyết có liên quan

- Lý thuyết Modigliani và Miller (1958): Lý thuyết về cấu trúc vốn của Modigliani và Miller (1958) được xem là công trình nghiên cứu có tư duy hiện đại khi nghiên cứu về cấu trúc vốn. Nghiên cứu của Modigliani và Miller (1963) cho thấy, việc lãi vay được tính là chi phí hợp lý và trừ ra trước khi tính thuế thu nhập DN thì sẽ làm lợi cho DN phần tỷ lệ giảm trừ này, đó chính là lá chắn thuế. Chính việc này cho thấy, các DN khi sử dụng nợ sẽ làm gia tăng giá trị DN do cấu trúc vốn vay có sự gia tăng.

- Lý thuyết trật tự phân hạng: Lý thuyết này được đưa ra bởi Myers và Majluf (1984) từ kết quả nghiên cứu thông tin bất cân xứng. Myers và Majluf (1984) lập luận rằng các nhà đầu tư bên ngoài không thể hiểu rõ về sức khỏe tài chính của công ty mà mình muốn đầu tư hơn các nhà quản lý kết quả kinh doanh (KQKD) thực, giá trị thực, cũng như các rủi ro và tiềm năng hiện tại và tương lai của công ty. Lý thuyết này lý giải vì sao các công ty có KNSL tốt thường ít sử dụng nguồn vốn vay bởi vì họ không cần nhiều nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài cũng như mục tiêu của họ là tỷ lệ nợ thấp. Và vấn đề giải thích ngược lại tương tự với các công ty có KNSL ít hơn. Có thể thấy lý thuyết trật tự phân hạng giải thích được mối tương quan nghịch giữa đòn bẩy tài chính và KNSL

- Lý thuyết chi phí đại diện: Vấn đề chi phí đại diện nảy sinh khi mục đích của chủ sở hữu công ty và mục đích của nhà quản lý thiếu sự đồng thuận. Vấn đề tối đa hóa giá trị của công ty là điều mà các cổ đông hướng đến nhưng nếu các nhà quản lý lại nảy sinh các lợi ích nhằm trục lợi cá nhân ngoài lợi ích tối đa hóa giá trị công ty, gây ra các thất thoát về tài sản của công ty. Do vậy, các cổ đông phải bỏ ra chi phí để kiểm soát vấn đề lợi ích cá nhân của các nhà quản lý thì đó là chính là chi phí đại diện. Theo giả thuyết của lý thuyết đại diện, việc công ty sử dụng tỷ lệ vốn VSH/tổng tài sản thấp hay đòn bẩy tài chính cao sẽ làm giảm chi phí đại diện, điều này sẽ làm gia tăng giá trị công ty bằng cách khuyến khích, bắt buộc các nhà quản lý đưa ra các quyết định tài chính vì lợi ích của cổ đông (Jensen và Meckling, 2019). Nhưng khi sử dụng đòn bẩy tài chính cao thì sẽ nảy sinh vấn đề đại diện khác của nợ vay ngoài doanh nghiệp, khi đó lại phát sinh xung đột giữa cổ đông và chủ nợ, đó là chi phí kiệt quệ tài chính dự kiến cao hơn và chi phí phá sản.

Diamond và Rajan (2000) đã thiết lập mô hình cấu trúc vốn ngân hàng dựa trên lý thuyết về sự biến động của ngân hàng. Vì tiền gửi của ngân hàng là không chắc chắn và có thể bị rút ra bất cứ lúc nào, nên những trường hợp bất lợi có thể xảy ra dẫn đến việc ồ ạt rút vốn khỏi ngân hàng. Nguồn vốn bên ngoài có thể đóng một vai trò trong việc giảm biến động tiền gửi và cho phép các ngân hàng tránh được tình trạng kiệt quệ tài chính.

- Lý thuyết đánh đổi: Trong quản trị tài chính, luôn có vấn đề vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa người tài trợ với người quản lý doanh nghiệp đại diện. Jensen và Meckling, (2019) cho rằng, có 2 dạng mâu thuẫn về đại diện: (1) mâu thuẫn giữa người chủ nợ với chủ sở hữu và (2) mâu thuẫn giữa nhà quản lý doanh nghiệp và người chủ sở hữu. Nghiên cứu của Jensen và Meckling (2019) về chi phí đại diện cho rằng, một cấu trúc vốn tối ưu có có được khi có sự cân đối giữa lợi ích và chi phí khi sử dụng nợ. Vấn đề đại diện cũng liên quan đến uy tín của doanh nghiệp và đến lượt nó cũng ảnh hưởng đến lựa chọn cấu trúc tài chính. Nghiên cứu của Diamond (1989) cũng cho thấy, nếu doanh nghiệp có uy tín tốt thông qua việc có lịch sử thanh toán nợ tốt cũng sẽ làm giảm chi phí đại diện, nghĩa là chi phí đi vay sẽ thấp.

Mô hình và kết quả nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả các biến nghiên cứu

Tên biến

Số quan sát

Mean

Độ lệch chuẩn

Min

Max

ROAit

230

0,0086

0,0065

0,0000

0,0220

CAPit

230

0,0845

0,0307

0,0320

0,1670

SIZEit

230

17,864

1,0551

16,683

21,251

LOANit

230

0,0275

0,0178

0,0000

0,1230

RISKit

230

0,0128

0,0052

-0,0170

0,0352

DEPOSITit

230

0,6232

0,1049

0,2520

0,8720

GDPt

230

5,7642

1,7039

2,5890

7,2000

Nguồn: Kết quả phân tích từ Stata 17

 

Nghiên cứu này kế thừa các nghiên cứu của Matar và Eneizan, (2018), Saona Hoffmann, (2011), Rahman và cộng sự (2015), Ayalew (2021), tác giả sử dụng Xit là tập hợp các biến bên trong ngân hàng có khả năng tác động đến KNSL của ngân hàng đó, và có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế các NHTMCP Việt Nam trong bài cũng như khả năng và thời gian thu thập dữ liệu của nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

ROAit = β0 + β1*ROAit_L1 + β2*CAPit + β3*SIZEit + β4*DEPOSITit + β5*RISKit + β6*GDPt + β7*INFt + eit

Trong đó:

ROAit_L1: biến trễ bậc 1 của biến; CAPit: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn; Quy mô(SIZEit); Tỷ trọng tiền gửi khách hàng (DEPOSITit); Rủi ro tín dụng (RISKit); Tỷ lệ cho vay của ngân hàng (LOANit); Và kết hợp với yếu tố bên ngoài ngân hàng là tốc độ tăng trưởng GDP năm t (GDPt); (Emase, 2017; Karabulut và Şen, 2018; Matar và Eneizan, 2018; Ayalew 2021). Với it là ngân hàng i tại năm t

Dữ liệu nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng, số liệu sử dụng là số liệu thứ cấp thu thập trên báo cáo tài chính của 26 NHTMCP Việt Nam, thời gian thu thập dữ liệu từ năm 2010 đến 2022, tương ứng 230 quan sát.

Phương pháp xử lý số liệu: Bài viết sử dụng phần mềm xử lý số liệu Stata 17 để phân tích số liệu và ước lượng mô hình bằng phương pháp S-GMM hệ thống (System GMM). Dữ liệu trong bài là dữ liệu dạng bảng không cân bằng. Dữ liệu sau khi thu thập được mã hóa và làm sạch, kiểm định mô hình nghiên cứu, sau đó tiến hành hồi quy đa biến và kiểm định với mô hình hồi quy.

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu tiến hành thực hiện hồi quy biến phụ thuộc ROAit theo các biến độc lập với phương pháp S-GMM, kết quả nghiên cứu thu được tại Bảng 2. Với biến phụ thuộc là ROA, có 6 yếu tố là ROAit_L1, CAPit, SIZEit, DEPOSITit, GDPt, và INFt có tác động cùng chiều đến ROAit, và một yếu tố RISKit, có tác động ngược chiều đến ROAit của NHTMCP Việt Nam. Kết quả với biến phụ thuộc ROA cho thấy cấu trúc vốn có tác động cùng chiều với mức ý nghĩa là 1% với mức tác động là lớn nhất đến ROA (β= 0,5240).

Bảng 2: Kết quả hồi quy bằng phương pháp s-gmm

ROAit

Số quan sát

Hệ số hồi qui

Độ lệch chuẩn

z

P>z

95% khoảng tin cậy

 

ROAit_L1

230

0,3725

0,0227

8,4832

0,011

0,3235

0,5942

CAPit

230

0,0331

0,0153

6,8742

0,0030

0,0514

0,0912

SIZEit

230

0,0011

0,0021

12,4100

0,0010

0,0921

0,0085

LOANit

230

0,0025

0,0108

0,1506

0,01230

-0,0137

0,0167

DEPOSITit

230

0,0006

0,0061

3,2915

0,0010

0,0043

0,0131

RISKit

230

-0,0315

0,0115

-5,1700

0,0100

-0,1276

-0,0574

GDPt

230

0,0001

0,0001

16,341

0,0010

0,0008

0,0014

cons

230

-0,1592

0,0104

-12,8900

0,0010

-0,1611

-0,1186

Nguồn: Kết quả phân tích từ Stata 17

 

Từ kết quả hồi quy tại bảng 2, mô hình nghiên cứu được trình bày như sau:

ROAit = 0,0047 + 0,3725*ROAit_L1 + 0,0331*CAPit + 0,0011*SIZEit + 0,0006*DEPOSITit – 0,0315RISKit + 0,0001*GDPt

Khuyến nghị và hàm ý chính sách

Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách được đề xuất đối với các nhà quản lý ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm gia tăng KNSL của các NHTM Việt Nam như sau:

Thứ nhất, vì cấu trúc vốn, đại diện bởi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, có tác động cùng chiều đến KNSL của ngân hàng, các ngân hàng nên lựa chọn phương án phát hành thêm cổ phần trong nước hoặc nước ngoài, tăng vốn góp từ các cổ đông chiến lược hoặc chủ động giữ lại lợi nhuận nhằm gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn, dẫn đến gia tăng lợi nhuận. Nên hạn chế việc vay nợ vì tăng nợ sẽ làm giảm KNSL của ngân hàng.

Thứ hai, việc tăng quy mô tài sản cũng giúp ngân hàng có thể đa dạng hoá các hoạt động tài chính, đưa ra nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, từ đó đạt được nhiều lợi thế trong cạnh tranh.

Cụ thể cần lưu ý các vấn đề sau: Tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính cần song song với kiểm soát chặt chẽ chất lượng danh mục tín dụng; Nâng cao hiệu quả kinh doanh và chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập; Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.

Nâng cao năng lực quản trị điều hành, tiếp tục hướng đến các tiêu chuẩn quản trị rủi ro cao hơn. Việc chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng, mở rộng các hoạt động dịch vụ nhằm đa dạng hoá nguồn thu sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, từ đó giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng. Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Saona Hoffmann, P. R. (2011). Determinants of the Profitability of the US BankingIndustry;
  2. Ayalew, Z. A. (2021). Capital structure and profitability: Panel data evidence of private banks in Ethiopia. Cogent Economics & Finance, 9(1), 1953736;
  3. Rahman, M. M., Hamid, M. K., & Khan, M. A. M. (2015). Determinants of bank profitability: Empirical evidence from Bangladesh. International journal of business and management, 10(8), 135.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024