Chặn công ty chứng khoán "huy động vốn" từ nhà đầu tư


Với số tiền gửi của khách hàng có khi lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, nhiều công ty chứng khoán mang đi đầu tư tài chính để thu về khoản lợi nhuận lớn. Theo các chuyên gia, việc cấm biến tướng huy động vốn là cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Tính đến hết quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý.
Tính đến hết quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý.

Thời gian qua, một số công ty chứng khoán thông qua trang web, ứng dụng (app) hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nhà đầu tư để thỏa thuận cho phép họ được hưởng lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch trong tài khoản. Theo đó, mức lãi suất huy động tiền gửi của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.

Một số công ty chứng khoán nhận tiền gửi như ngân hàng

Tính đến hết quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý. Những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất lớn, có thời điểm lên đến 100.000 tỷ đồng.

Thực tế nếu trừ lượng tiền dùng để đảm bảo tỷ lệ an toàn cho giao dịch, "núi tiền" trên có thể được chia thành hai dạng. Thứ nhất là trường hợp nhiều nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản nhưng sau đó nhận thấy chưa đến thời điểm thích hợp để mua chứng khoán. Trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể để tiền trong tài khoản và các công ty chứng khoán thường trả lãi hàng tháng cho số tiền này theo dạng "tiền gửi không kỳ hạn" với lãi suất cao gấp 3 lần so với gửi tại ngân hàng.

Chẳng hạn, hồi đầu năm, tại Công ty chứng khoán DNSE, với sản phẩm đầu tư Entrade X, nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất 5% cho tiền gửi không kỳ hạn. Khi nào nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch chứng khoán có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thao tác chuyển tiền từ ngân hàng vào.

Dạng thứ hai là các hình thức biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán sẽ áp dụng hình thức “hợp tác đầu tư”, để thu hút vốn từ nhà đầu tư, sau đó trả lãi cho họ với mức lãi suất cao hơn đáng kể. Hồi đầu năm, một số đơn vị trả lãi đến 12% cho tiền gửi 12 tháng, đến nay dù hạ nhiệt, lãi suất vẫn được đưa ra ở mức 8-9%. Trong khi đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện nay cho kỳ hạn 12 tháng chỉ ở mức 4,8-5,6%/năm tuỳ từng ngân hàng.

Đây được xem là cách huy động vốn khác cho các công ty chứng khoán, bên cạnh vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh của các công ty chứng khoán.

Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Chứng khoán DSC, thông thường nếu tổng thanh khoản thị trường khoảng 20.000 tỷ đồng sẽ có khoảng 50.000 tỷ đồng là tiền gửi thực chất để giao dịch. Khoản còn lại dao động khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng nằm ở dạng các sản phẩm dạng "tiền gửi ngắn hạn". Đó là chưa tính các công ty chứng khoán hạch toán số tiền này ở khoản mục khác. Giả sử một phần trong số tiền được các công ty chứng khoán sử dụng để kinh doanh chênh lệch lãi suất, số lợi thu về không hề nhỏ.

"Tuýt còi" để chặn rủi ro

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán nhằm chấn chỉnh việc huy động vốn của nhà đầu tư rồi trả lãi suất như ngân hàng. Văn bản được ban hành sau khi cơ quan quản lý nhận thấy có hiện tượng một số công ty chứng khoán thỏa thuận cho phép khách hàng, nhà đầu tư được hưởng lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán phải dừng ngay việc thỏa thuận này. Đồng thời, các đơn vị phải tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động trên, chậm nhất trước ngày 30/6/2024. Công ty chứng khoán sẽ phải báo cáo lộ trình thực hiện việc tất toán trước 30/12/2023, đồng thời định kỳ hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện cho tới khi tất toán toàn bộ.

Giới chuyên gia cho rằng sau lần "tuýt còi" này, các công ty chứng khoán sẽ phải cân đối hoạt động tự doanh, có thể bao gồm việc thu hẹp một phần hoạt động này để tất toán tiền cho nhà đầu tư. Ngoài ra, hoạt động cho vay ký quỹ cũng có những bước thay đổi theo hướng siết chặt hơn, khi các đơn vị này mất đi một nguồn tiền giá rẻ.

Ông Huy nhận định, một số công ty sẽ mất một phần nguồn lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch lãi suất trên thị trường tiền tệ; nhà đầu tư cũng mất đi lựa chọn lúc tiền rảnh. Tuy nhiên, việc cấm biến tướng huy động vốn là cần thiết, đổi lại sẽ bớt lo ngại rủi ro hơn cho nhà đầu tư.

Nếu thị trường đi lên thì bên đi vay và bên cho vay đều đạt được mục đích, nhưng trường hợp thị trường đi xuống, công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, hoặc có vấn đề gì đó khiến công ty chứng khoán mất vốn; trong đó có cả tiền của nhà đầu tư, công ty chứng khoán không có khả năng trả nợ, các nhà đầu tư cho công ty chứng khoán vay sẽ mất tiền. Điều này khác với việc nhà đầu tư gửi tiền ở ngân hàng được bảo hiểm tiền gửi.

Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng về pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép thực hiện huy động vốn từ cá nhân. Trong khi đó, Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện 4 nghiệp vụ gồm: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Theo đó, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của mình, không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại hay các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng.

Thực tế, những năm trước, nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng về tình trạng biến tướng huy động vốn của một số công ty chứng khoán, nhưng các động thái xử lý của cơ quan quản lý rất chậm trễ.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang nóng hiện nay, câu chuyện giám sát chặt thị trường và hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty niêm yết cần được quan tâm chặt chẽ hơn nữa.

Hồi đầu tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi công văn tới các công ty chứng khoán lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung về "quản lý tách bạch tài sản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán".

Ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup, một chuyên gia từng có nhiều năm kinh nghiệm về quản lý tài sản, cho rằng việc mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi là cần thiết nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Một số công ty chứng khoán thu hút nhà đầu tư bằng lãi suất cao. Do vậy, khi tách bạch nguồn tiền như vậy, nhà đầu tư có thể giảm quyền lợi về lãi suất, nhưng bù lại, số tiền gửi sẽ an toàn hơn, không lo bị lạm dụng vốn hay mất thanh khoản...

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn