Các nhân tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết
Trong những năm qua, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại về chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tình trạng này diễn ra không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ đông của doanh nghiệp, mà còn tác động xấu đến tính minh bạch và niềm tin của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh đó, việc tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính là một nhiệm vụ quan trọng, để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, góp phần giúp cung cấp các thông tin hữu ích, đáng tin cậy và đạt các yêu cầu về chất lượng thông tin.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp những thông tin tài chính ra bên ngoài một cách kịp thời và hợp lý (Bolo và Hosseini 2007; Salehi và Azary, 2008). Chất lượng BCTC ảnh hưởng nhiều tới các quyết định chiến lược của nhà quản trị của các nhà đầu tư. Các học giả như Bushman và Smith (2001), Healy và Palepu (2001), Biddle và Hilary (2006)… đều cho rằng, BCTC có chất lượng cao sẽ làm gia tăng đầu tư hiệu quả.
Do vậy, hiện có rất nhiều nghiên cứu về việc đo lường chất lượng BCTC thông qua việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến BCTC. Theo đó, ngoài các thông tin tài chính, việc đo lường chất lượng có thể dựa trên thông tin khác với thông tin tài chính trong các báo cáo của một DN (Pounder, 2013). Cụ thể:
Quản trị thu nhập
Quản trị thu nhập là một trong những mối quan tâm chính trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của các đơn vị để biểu thị mức độ tin cậy của thu nhập được báo cáo (Usman, 2013). Chỉ tiêu này cũng đã được sử dụng như một công cụ phân tích để đánh giá tác động của việc chuyển đổi các chuẩn mực kế toán, kiểm toán bên ngoài, tuân thủ, quản trị DN và chi phí vốn.
Có một số tiêu chí để xác định chất lượng quản lý thu nhập, chẳng hạn như: tính bền vững, khả năng dự đoán, dồn tích bất thường, chất lượng dồn tích, mức độ phù hợp, tính kịp thời, tính bảo thủ và mức độ thay đổi thu nhập (Ewert và Wagenhofer, 2011). Chất lượng của quản trị thu nhập cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như cơ chế kích thích nhà quản lý hành động tuân thủ qui định về kế toán. Quản lý thu nhập càng sâu rộng, chất lượng BCTC của DN càng thấp.
Quản trị doanh nghiệp
Quản trị DN đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo chất lượng BCTC. Mối quan hệ giữa quản trị DN và chất lượng BCTC đã được xem xét rộng rãi. Nghiên cứu quy tắc cơ chế quản trị về chất lượng thông tin tài chính minh họa rằng quản trị DN ảnh hưởng đến chất lượng kế toán (Klai, và Omri, 2011). Các công ty có quản trị DN mạnh có thể đưa ra các BCTC chất lượng cao (Cao, Ying, Linda, Omer & Thomas, 2011). Quản trị DN hiệu quả trong xử lý BCTC tạo thành một công cụ quan trọng trong việc cho phép các DN và kiểm toán viên thực hiện tất cả các trách nhiệm này (Hope, Thomas và Vyas, 2011).
Thị trường vốn
Kết quả khảo sát và nghiên cứu 166.903 BCTC hàng năm của các DN niêm yết công khai tại 38 thị trường vốn chính từ năm 2000 đến 2007 cho thấy, thị trường vốn của các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Australia báo cáo chất lượng BCTC cao hơn so với những gì thị trường mới nổi đã báo cáo. Những thị trường vốn có sự bảo vệ nhà đầu tư và thực thi pháp lý mạnh mẽ tạo ra chất lượng BCTC cao (Tang, Chen và Lin, 2012).
Tại Việt Nam, trong những năm qua, thị trường vốn tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ gắn với yêu cầu, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, cũng góp phần thúc đẩy các DN niêm yết phải nâng cao chất lượng BCTC trước khi công bố rộng rãi.
Kiểm soát nội bộ
Kiểm soát nội bộ hiệu quả luôn làm giảm rủi ro thông tin và tăng cường tính đầy đủ và chính xác của thông tin theo kế hoạch. Theo Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA), tạo ra BCTC đáng tin cậy và đạt được các mục tiêu BCTC, kiểm soát nội bộ mạnh mẽ đối với BCTC là một trong những yếu tố cần thiết để tạo ra BCTC đáng tin cậy và đạt được các mục tiêu BCTC. Kiểm soát nội bộ ảnh hưởng đến chất lượng BCTC, ảnh hưởng đến rủi ro thông tin và xếp hạng tín dụng (Elbannan, 2009). Do đó, kiểm soát nội bộ càng mạnh và hiệu quả thì chất lượng BCTC đạt được càng cao.
Hệ thống báo cáo nội bộ
Hệ thống báo cáo nội bộ kiểm tra xem thông tin tài chính có đáp ứng các tiêu chí về mức độ dễ hiểu, mức độ phù hợp, độ tin cậy và khả năng so sánh để đảm bảo đạt được các quyết định kinh tế của nhà quản trị DN hay không. Đồng thời, nó cũng cho phép tương tác và giao tiếp giữa các cấp quản lý và cấp hoạt động. Một hệ thống báo cáo nội bộ hiệu quả khuyến khích tạo ra các thông tin chất lượng cao, đồng thời giúp các nhà quản lý đối phó với các thông tin công bố cho các bên ngoài (Lius, 2011).
Chuẩn mực kế toán
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, BCTC sử dụng Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung của Hoa Kỳ (GAAP) cung cấp thông tin được trình bày minh bạch hơn so với báo cáo theo Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Mặt khác, báo cáo theo IFRS cung cấp nhiều thông tin liên quan hơn các báo cáo hàng năm theo GAAP của Hoa Kỳ. Các đặc tính định tính cơ bản giữa GAAP và IFRS khác nhau đáng kể (Beest và ctg, 2009). GAAP nhấn mạnh đến đặc tính định tính cơ bản là trung thực, và IFRS nhấn mạnh đặc điểm về độ tin cậy.
Một nghiên cứu được thực hiện trong thời gian ba năm, điều tra các tác động của IFRS lần đầu tiên áp dụng chất lượng BCTC của 50 DN niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Bucharest đã phát hiện rằng, chất lượng của các khoản tích lũy có liên quan tích cực với chất lượng BCTC sau khi áp dụng IFRS (Gajevszky, 2015). Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chất lượng BCTC không chỉ được xác định bởi các tiêu chuẩn kế toán (Walker, Zeng, và Lee, 2013).
Công nghệ thông tin và hệ thống thông tin kế toán
Hệ thống thông tin kế toán sẽ tạo ra thông tin có liên quan và đáng tin cậy (Mamić và Oluić, 2013). Việc sử dụng công nghệ thông tin phù hợp là điều cần thiết cho hệ thống thông tin kế toán vì tất cả các hỗ trợ cho hệ thống thông tin kế toán để tạo ra thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn. Công nghệ thông tin có ảnh hưởng đáng kể đến Hệ thống thông tin kế toán từ các quan điểm vận hành, chuẩn bị, xử lý, trình bày và cung cấp thông tin kế toán.
Kiểm toán
Kiểm toán là công việc mang tính độc lập, giúp tăng cường độ tin cậy và tính hữu ích của BCTC (Francis và ctg, 1999). Kiểm toán là một phần không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng thông tin từ BCTC. Trong thời gian qua, trên TTCK Việt Nam, những yêu cầu ngày càng khắt khe về kiểm toán đã góp phần nâng cao chất lượng BCTC.
Văn hóa
Chất lượng BCTC gắn liền với văn hóa của một quốc gia. Theo Hashim (2012), sự kết nối giữa dân tộc và chất lượng BCTC hỗ trợ cho lý thuyết chi phí chính trị. Cuối cùng, bất chấp những nỗ lực quốc tế to lớn đã được thực hiện theo hướng hội tụ và hài hòa, kết quả cho thấy sự đa dạng đáng kể trong kế toán và kiểm toán vẫn tồn tại trên khắp thế giới; do đó, hiệu quả của hài hòa toàn cầu vẫn là một vấn đề quan trọng cần được khám phá thêm (Tang và ctg, 2012).
Quy mô, tuổi đời của doanh nghiệp
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng có một mối tương quan lớn và tiêu cực giữa quy mô DN và chất lượng BCTC vì các DN lớn hơn phơi bày các khoản dồn tích bất thường (Hope, Thomas & Vyas, 2011). Yếu tố này có ảnh hưởng lớn và đáng kể đến chất lượng BCTC (Hashim, 2012). Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy chất lượng BCTC có liên quan tích cực với tuổi của DN (Hashim, 2012).
Liên hệ với Việt Nam
Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn tại các thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng của nhiều quốc gia cho thấy, sự phát triển của hệ thống kế toán và BCTC không tách rời mà phản ánh và chịu sự tác động của môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý và văn hóa tại mỗi quốc gia và khu vực. Các nhân tố này không độc lập mà có mối quan hệ với nhau khá chặt chẽ.
Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa trong những năm gần đây trở thành một nhân tố quan trọng, tác động mạnh đến hệ thống kế toán và BCTC của các quốc gia. Quá trình này một mặt tác động đến các nhân tố kinh tế, văn hóa, pháp lý, một mặt tạo ra nhu cầu phải có một tiêu chuẩn thống nhất trong trình bày và công bố thông tin về BCTC. Quá trình hòa nhập khu vực và quốc tế tuy không phải là nhân tố trực tiếp, song nó là yếu tố gián tiếp có tác động quan trọng đến hệ thống kế toán và BCTC tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu đến chất lượng BCTC được thực hiện chậm hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Qua tìm hiểu cho thấy những nghiên cứu này chỉ mới dừng lại ở việc phân tích các nội dung cơ bản liên quan đến BCTC chỉ có một vài nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến BCTC và chỉ ở mức độ công bố thông tin, còn chất lượng BCTC, đo lường theo đặc điểm chất lượng và các nhân tố được phân tích, kiểm định chưa được quan tâm nhiều hoặc nếu có thì chỉ tập trung phân tích vào tính minh bạch của BCTC. Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, để nâng cao chất lượng báo cáo BCTC, cần chú trọng một số nội dung sau:
- Về các DN niêm yết: Cần tăng cường ý thức trách nhiệm về việc xây dựng và công bố BCTC đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của pháp luật; Đầu tư phát triển hệ thống thông tin trong DN; Hoàn thiện hệ thống quản trị công ty và xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ trong DN...
Về phía cơ quan quản lý: Cần hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực kế toán, kiểm toán và công bố thông tin như: Sửa đổi chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế; Hoàn thiện các quy định về trình bày và công bố thông tin trên TTCK; Tăng cường các chế tài xử phạt nhằm đủ sức răn đe đối với các DN niêm yết không tuân thủ các quy định về công bố thông tin.
- Về người sử dụng BCTC: Cần lưu ý cơ cấu sở hữu vốn của DN niêm yết, bởi theo kết quả nghiên cứu các công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài và sở hữu Nhà nước thường có mức độ minh bạch BCTC cao hơn; cần tìm hiểu những thông tin mang tính chất tự nguyện cung cấp trong BCTC vì mức độ cung cấp thông tin tự nguyện càng cao đồng nghĩa với sự minh bạch thông tin càng lớn.
Kết luận
Để thông tin trên BCTC của các DN nói chung và BCTC các công ty xây dựng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nói riêng là hữu ích, đạt các tiêu chuẩn giúp nâng cao chất lượng BCTC thì việc tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC là một mắt xích quan trọng. Một BCTC có chất lượng sẽ là một công cụ hữu ích cho việc đánh giá so sánh giữa các DN, đánh giá giá trị hiện trạng của các DN, là cơ sở cung cấp thông tin đáng tin cậy cho nhà đầu tư hiểu được các con số và các chỉ số tài chính để hỗ trợ cho việc ra quyết định tốt hơn khi thực hiện đánh giá phân tích.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Phương Hồng (2016), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC của công ty niêm yết trên TTCK – bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Mai Thị Hoa (2019), Đo lường mức độ minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX, Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2/2019;
3. Akeju, J.B. and Babatunde, A.A. (2017), Corporate Governance and Financial Reporting Quality in Nigeria, International Journal of Information Research and Review, 4(2), 3749-3753;
4. Azhar Susanto (2015), “What factors influence the quality of accounting information;
5. Barth, M., Beaver, W. & Landsman, W., (2001), The relevance of the value relevance literature for financial accounting standard setting. Another view, Journal of Accounting and Economics, 31(1-3): 77-104.