Chất lượng thông tin - “Điểm trừ” đối với môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo Kim Hiền/kinhtevadubao.vn

Đây là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại hội thảo “Quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư” tổ chức chiều ngày 11/01.

Chất lượng thông tin là vấn đề đáng bàn hiện nay. Nguồn: Internet
Chất lượng thông tin là vấn đề đáng bàn hiện nay. Nguồn: Internet

Lo ngại về chất lượng thông tin doanh nghiệp ở Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc, lên vị trí 68/190 nền kinh tế thế giới – mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Còn theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh năm 2017-2018 của Việt Nam cũng tăng 5 bậc từ vị trí 60 lên 55/137 nền kinh tế.

“Điều này cho thấy, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu lớn đã đạt được, thì môi trường kinh doanh vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn cần vượt qua. Trong đó, sự hoàn thiện cũng như chất lượng của hệ thống thông tin – dữ liệu đang được coi như một “điểm trừ” với môi trường kinh doanh Việt Nam.

Để dẫn chứng, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, ngày 15/12/2017, WB phối hợp với Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam” với nhận định không thực sự tích cực về chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt.

Theo đó, WB nhận định, dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng các báo cáo tài chính được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam có chất lượng chưa cao.

Đáng chú ý, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa có chuẩn mực tương đương với chuẩn mực quốc tế (IFRS) khiến số liệu giữa hai loại báo cáo này có sự chênh lệch lớn.

Bên cạnh đó, WB cũng nhận định rất ít doanh nghiệp nhà nước thực sự công khai báo cáo tài chính đúng hạn và đầy đủ, các thuyết minh báo cáo tài chính và ý kiến kiểm toán thường không được công khai.

“Rõ ràng, dữ liệu – thông tin đầu vào như trên sẽ dẫn đến làm gia tăng sự quan ngại về rủi ro trong hoạt động đầu tư và thương mại của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hệ thống tài chính tín dụng Việt Nam (khu vực cung ứng vốn quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế Việt Nam)”, Phó Thống đốc nói.

Về vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, chất lượng thông tin là vấn đề rất đáng bàn hiện nay, vì việc đưa ra các thông tin không chính xác còn nguy hiểm hơn là không có thông tin.
“Chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính là vô cùng quan trọng, thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp. Nhưng có nhiều doanh nghiệp hiện nay khai báo không chính xác, như: khi bị bệnh, lại nói là không có bệnh gì cả, hoặc khi bị bệnh tim thì lại nói bị dạ dày, gây sự chệnh hướng và thiếu thông tin để bên thứ 3, đối tác của doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh”, TS. Minh đánh giá.  

Ở góc độ chuyên gia phân tích dữ liệu, ông Nguyễn Quan Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Stoxplus cho biết, thông tin kém chất lượng làm tăng rủi ro khi quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Theo ông Thuân, cơ sở hạ tầng thông tin kinh doanh, bao gồm thông tin tài chính doanh nghiệp ở Việt Nam còn thô sơ, phân mảnh. Chưa minh bạch và thiếu thông tin chiều sâu về các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng và nhà cung cấp tại thời điểm suy thoái kinh tế. Chất lượng thông tin tài chính còn ở mức thấp, kể cả đối với những công ty niêm yết có báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

“Hệ thống 2 sổ sách kế toán là thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Điều này gây ra khó khăn trong việc đánh giá rủi ro đối tác”, ông Thuân nhấn mạnh.

Cần phải làm gì?

Theo ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong những năm qua Chính phủ có nhiều chủ trương để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu – thông tin quốc gia, như: Đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế.... Các bộ, ngành cũng có nhiều hướng dẫn trao đổi thông tin giữa các hệ thống thông tin quốc gia với nhau và với doanh nghiệp.

Theo đó, trong thời gian tới, cần phải tận dụng được công nghệ mới nhất, có hiệu quả nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin có chất lượng về môi trường đầu tư, chính sách của Nhà nước, tài chính, kinh tế…, nhất là thông tin liên quan đến xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đầu tư của mình.

Còn theo TS. Trần Hồng Minh, để nâng cao chất lượng thông tin, thì cần sự phối hợp của cả 2 phía: Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Trong đó, doanh nghiệp phải có ý thức trong việc khai báo thông tin, còn cơ quan nhà nước phải có quy định hết sức cụ thể về việc khai báo thông tin để tránh tình trạng 1 doanh nghiệp có tới 3-4 báo cáo tài chính khác nhau.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Alwaleed Alatabani, trưởng nhóm chuyên gia tài chính, WB cũng cho rằng, chất lượng thông tin ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư và ra quyết định kinh doanh, từ đó ảnh hưởng ngược lại doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng thông tin, ông Alwaleed Alatabani khuyến nghị rằng, các cơ quan nhà nước cần phải có chế tài nghiêm khắc để buộc doanh nghiệp phải khai báo thông tin một cách chính xác.