Chất xúc tác cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp khôi phục trở lại
Chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan là những cú huých giúp khơi thông, sớm phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Triển vọng những tháng cuối năm 2023
Tính đến 12/7/2023, quy mô dư nợ toàn thị trường TPDN ở mức gần 15% GDP. Trong đó, TPDN riêng lẻ khoảng 11% GDP với giá trị gần 1,08 triệu tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025.
Khối lượng TPDN đáo hạn còn lại trong năm 2023 ước tính 170.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.
Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại tại ngành Bất động sản trong quý I/2023 đạt 38.700 tỷ đồng. Ngành Bất động sản tiếp tục ghi nhận làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn cho thấy áp lực mua lại trước hạn vẫn hiện hữu.
Áp lực đáo hạn vẫn còn nhưng đang được xử lý với giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.
Dự báo trong những tháng cuối năm 2023, thị trường sẽ bước vào trạng thái ổn định về quy mô. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn dự báo ngừng tăng. Các tổ chức phát hành đẩy mạnh đàm phán gia hạn trái phiếu trong thời điểm lãi suất có diễn biến thuận lợi và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang trong quá trình còn hiệu lực, qua đó, giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã góp phần rất lớn đem lại cơ hội cho giải pháp "win-win" (2 bên cùng có lợi) cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang ở giai đoạn tái cơ cấu nợ, được cải thiện. Đây là một quá trình chúng ta cần theo dõi và đánh giá cũng như tạo môi trường và hỗ trợ chính sách để thị trường có một kết quả tốt.
Sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành thì Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cho phép tái cơ cấu nợ cũng đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tốt trong việc hồi phục khả năng tín dụng sau thời gian cơ cấu lại nợ trái phiếu khi chính sách này cho phép không phân loại nợ xấu (nhóm 3 - nợ dưới chuẩn trở xuống) đối với các trường hợp được đánh giá là có khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ sau thời gian cơ cấu và "sạch" về mặt pháp lý. Thông tư này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng giảm sẽ giúp chi phí phát hành, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp giảm theo, tạo thuận lợi hơn cho các đợt phát hành mới trong nửa cuối năm nay.
Bước tiến dài hạn
Ngày 19/7, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động với 19 mã trái phiếu, thuộc về 3 tổ chức. Hệ thống do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vận hành, Vietcombank là ngân hàng thanh toán cho các giao dịch. Dự kiến có hơn 1.600 TPDN riêng lẻ do 1.000 doanh nghiệp phát hành sẽ được giao dịch trên hệ thống.
Trong dài hạn, hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào vận hành ổn định được kỳ vọng cải thiện thanh khoản, kéo giảm chi phí phát hành.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến lớn cho thị trường này. Việc đăng ký giao dịch tập trung sẽ góp phần giải quyết 4 vấn đề lớn của thị trường hiện nay.
Thứ nhất, hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình.
Thứ hai, việc để trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết. Trái phiếu được giao dịch tập trung tại HNX thay vì các nền tảng giao dịch của các công ty chứng khoán sẽ góp phần thực hiện giao dịch thuận lợi hơn thay vì phải qua các thủ tục tìm kiếm bên mua và bên bán theo hình thức khá thủ công hiện nay mặc dù hệ thống giao dịch của một số công ty chứng khoán cũng rất thuận lợi.
Thứ ba, việc kê khai và giao dịch tập trung sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu. Khi đó, giá trái phiếu được hình thành và có thể có mức lợi tức (yield) khác so với mức lãi suất danh nghĩa (coupon) ban đầu.
Thứ tư, việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu. Điều này là rất cần thiết cho các định chế đầu tư nhằm phục vụ công tác quản trị rủi ro, báo cáo và tuân thủ.
Hơn nữa, việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần xác định và quản lý tốt hơn thông tin trái chủ, góp phần bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư một cách nhanh chóng và rõ ràng thay vì để các trái phiếu giao dịch trôi nổi trên thị trường và khi xác định người thụ hưởng phải mất thời gian cho việc khảo sát và báo cáo.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trong thời gian tới sẽ dần dần tăng số lượng trái phiếu riêng lẻ niêm yết, tăng mức độ minh bạch công bố thông tin như dữ liệu giao dịch, thông tin trạng thái trái phiếu đang lưu hành, góp phần bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho nhà đầu tư….
Nhìn một cách tổng thể, không chỉ việc triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ nói riêng mà các nỗ lực nâng cao, cải thiện tính minh bạch của thị trường nói chung là một hướng đi đúng và là nền tảng cho sự phát triển bền vững.