Đại dịch Covid-19:
Chất xúc tác thúc đẩy tiến trình cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại
Làn sóng phát minh và ứng dụng những công nghệ số tiên tiến từ đầu thập niên 2000 đã tạo ra những biến đổi sâu sắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu...
1. Đại dịch Covid-19 thúc đẩy tiến trình cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Làn sóng phát minh và ứng dụng những công nghệ số tiên tiến từ đầu thập niên 2000 đã tạo ra những biến đổi sâu sắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng thu thập và xử lý dữ liệu dần trở thành một trong những yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các chủ thể kinh tế.
Khái niệm cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), kinh tế số và chuyển đổi số đã được nhắc đến nhiều hơn và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế không chỉ ở nhiều quốc gia phát triển mà còn lan sang các quốc gia đang phát triển. Việc nhận thức đúng đắn về các vấn đề mới này, làm nền tảng để đưa ra các quyết định và phản ứng chính sách phù hợp, trở thành những yêu cầu bắt buộc đối với cả người dân, doanh nghiệp, ngành kinh doanh và Chính phủ. Mặc dù ở giai đoạn đầu của tiến trình nhưng thực tiễn quá trình áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số nền kinh tế đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây.
Khởi phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đặc biệt nguy hiểm với tốc độ lây lan rộng, gây ra hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Ngoài tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19, những phản ứng của Chính phủ các quốc gia đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng qua nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thực, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng.
Thứ hai, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới từng nền kinh tế là không giống nhau, tùy thuộc vào cấu trúc sản xuất đặc thù của từng nền kinh tế và hiệu quả phản ứng của các chính sách vĩ mô được Chính phủ các quốc gia triển khai. Không khó để nhận ra các hoạt động kinh tế - xã hội thông thường đã buộc phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.
Người lao động đã làm việc từ xa nhiều hơn thông qua các ứng dụng hỗ trợ làm việc trực tuyến; người tiêu dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ thương mại điện tử là sự kết hợp giữa các website thương mại và dịch vụ giao hàng; các trường học chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến; các bệnh viện chuyển sang khám bệnh và tư vấn y tế trực tuyến; các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cả Chính phủ dựa trên các nền tảng số để duy trì hoạt động của mình. Phần nào từ đại dịch Covid-19 mà ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, vai trò và vị thế của kinh tế số trong nền kinh tế quốc dân ngày càng được củng cố hơn.
2. Ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, đại dịch Covid-19 tới hệ thống ngân hàng thương mại
Nhìn chung, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 là một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sâu sắc hơn trên nhiều khía cạnh (phát triển các nền tảng số, quyền sở hữu và thương mại hóa dữ liệu số, bảo mật dữ liệu số…) và lĩnh vực (công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng tài chính…). Riêng với lĩnh vực kinh tế, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 - 2009, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế khác có phạm vi và mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.
Lãi suất thấp duy trì trong giai đoạn dài đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại vốn tập trung vào chức năng chuyển hóa kỳ hạn và thu lợi nhuận từ hoạt động cấp tín dụng. Về cơ bản, các chức năng của hệ thống ngân hàng được dựa chủ yếu vào việc thu thập và xử lý cả thông tin cứng (có được nhờ vào việc thu thập thông tin trên diện rộng các khách hàng) và thông tin mềm (có được nhờ vào việc có được giấy phép thành lập ngân hàng).
Ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng đã tạo ra những thay đổi mang tính cấu trúc, đồng thời đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 cùng với một số xu thế trong dài hạn như lãi suất thấp, các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ngân hàng, sự phát triển của ngân hàng ngầm và công ty công nghệ đã trở thành các lực lượng thách thức mô hình kinh doanh truyền thống của hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, trong khi công nghệ số đã làm tăng vai trò của việc xử lý thông tin cứng thông qua dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, máy học… thì đại dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình thu thập thông tin cứng diễn ra nhanh trên phạm vi rộng. Một là, sự bùng nổ của điện thoại thông minh, giao diện lập trình ứng dụng, công nghệ đám mây, công nghệ sổ cái phân tán đã mở rộng sự sẵn có của các dịch vụ tài chính. Các thành tựu này đã gắn kết hoạt động tài chính và hoạt động thương mại như thanh toán, chuyển tiền, mua sắm trực tuyến… trong nhiều lĩnh vực với tốc độ nhanh hơn trong khi vẫn bảo đảm an toàn cho khách hàng và ngân hàng trước tác động của đại dịch. Hai là, các quy định về giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho nhu cầu thương mại số của người dân và sự phổ biến công nghệ diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Các mô hình kinh doanh của ngân hàng thương mại vốn dựa trên nền tảng của các chi nhánh và phòng giao dịch trong suốt tiến trình lịch sử sẽ rất khó có thể kịp thời thay đổi cho phù hợp với những thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn.
Thứ hai, các quy định nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng, nổi bật là các quy định về mức độ đủ vốn, các quy định về an toàn hoạt động vừa làm gia tăng chi phí hoạt động vừa tạo ra áp lực lên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Đại dịch Covid-19 làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đã gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng như tăng nợ xấu, giảm thu từ các hoạt động phi tín dụng, giảm lợi nhuận… Trong khi đó, lợi thế của công ty công nghệ tài chính là có thể giảm được chi phí của các trung gian tài chính từ cho vay, thanh toán, tư vấn và bảo hiểm trong khi có khả năng tạo ra sự khác biệt về giá nhờ dựa vào khả năng xử lý dữ liệu hiệu quả của mình. Thực tế này dẫn đến một xu hướng là các nhà quản lý ngân hàng, trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận, buộc phải tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh của mình hoặc các nhà đầu tư sẽ từ thoái vốn và tìm kiếm một mô hình khác có tính ưu việt hơn để cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình như đầu tư vào công ty công nghệ tài chính.
Thứ ba, sự bùng nổ của công nghệ số một mặt làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mặt khác tạo thuận lợi cho sự hình thành của công ty công nghệ tài chính, cạnh tranh với hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ở lĩnh vực thanh toán. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ tài chính với khả năng tận dụng ưu thế công nghệ và khả năng phối hợp với các công ty thương mại điện tử đã đáp ứng rất tốt sự thay đổi trong các nhu cầu của xã hội, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho hệ thống ngân hàng.
3. Những gợi mở đối với hoạt động của ngân hàng thương mại trong bối cảnh mới
Với ngày càng nhiều hơn các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng vào thực tiễn, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường ngay cả khi có vắc-xin, nhu cầu của khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, hệ thống ngân hàng thương mại cần phải có sự thay đổi mang tính cấu trúc để có thể thực hiện tốt vai trò là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế.
Mặc dù hệ thống ngân hàng có thể bắt kịp tiến độ các đối thủ cạnh tranh như các công ty công nghệ tài chính trong một số khía cạnh thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh doanh, nhưng những cải cách này có thể không mang tính bền vững, thậm chí dẫn tới sự chững lại trong năng suất lao động, kém hiệu quả và chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn.
Để có thể ứng dụng thành công thành quả của cuộc CMCN 4.0, hệ thống ngân hàng thương mại không chỉ cần ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, mà từ trung hạn trở đi, cần phải tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, để có thể tự phát triển và dẫn đầu về các công nghệ số mới.
Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, ngân hàng là một trong số ít các ngành có khả năng ứng phó thành công với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dựa trên các thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu sẽ có những chuyển biến sang trạng thái “bình thường mới”.
Đại dịch này không chỉ buộc các lĩnh vực kinh doanh đánh giá lại khả năng ứng phó với những rủi ro mới, mà còn là cơ hội để phát triển và ứng dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của kinh tế số. Để có thể thành công trên mặt trận chống dịch lẫn mặt trận kinh tế, biến “nguy” thành “cơ”, hệ thống ngân hàng thương mại cần phải lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, sự gia tăng vai trò và phạm vi tác động của kinh tế số nói chung và công nghệ tài chính khiến cho phương thức quản lý của các ngân hàng thương mại khó có thể theo kịp. Do vậy, ban điều hành và các lãnh đạo tại từng cấp quản lý cần có những sáng tạo, đổi mới, thậm chí là các tư duy và hành động mang tính “phi truyền thống”, trong giải quyết vấn đề thực tiễn. Thực tiễn cho thấy, ban điều hành của ngân hàng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình và hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng dựa trên nền tảng số nhưng cũng cần có cơ chế quản lý, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tác động tiêu cực tiềm tàng.
Thứ hai, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng căn bản để các hoạt động khác được diễn ra thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng cần dành nguồn lực tài chính để tăng cường đầu tư cho phát triển hạ tầng song song với việc đổi mới các thủ tục rườm rà và tăng cường kết nối với thương mại điện tử và các cơ sở dữ liệu khác. Cần kết nối quá trình phát triển này với quá trình hiện đại hóa khu vực công, trong đó nền tảng căn bản là chính phủ điện tử mà Chính phủ nhiều quốc gia đang thực hiện. Dịch vụ tài chính ngân hàng liên kết với các dịch vụ công hiệu quả hơn sẽ bảo đảm được thị trường cho các ngân hàng phát triển, trong khi giúp giảm đáng kể các chi phí hoạt động của cả hai khu vực.
Thứ ba, khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Ngân hàng thương mại cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu của riêng mình và thiết lập các kênh kết nối với các trung tâm dữ liệu lớn khác trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới cho người đi đầu, bao gồm hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh; nhất là tạo thuận lợi cho công tác dự báo, thống kê về hoạt động ngân hàng.
Thứ tư, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã và sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Kênh bán hàng qua mạng Internet, điện thoại, mạng xã hội, với đặc điểm tích hợp, không giấy tờ, nhanh chóng, bất cứ nơi nào sẽ là xu thế phát triển mạnh mẽ. Ngân hàng thương mại cần tích cực ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, bảo đảm các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng.
Thứ năm, song hành với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 và nền kinh tế số là nền kinh tế không dùng tiền mặt. Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cần được các ngân hàng thương mại tích cực triển khai cùng với các chương trình giáo dục giao dịch tài chính số. Ngân hàng cần khuyến khích sự phát triển và áp dụng các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng điện tử và thanh toán trực tuyến ngay tại trong ngân hàng mình. Hơn nữa, cần chú trọng vào các giải pháp tăng khả năng tương tác giữa các nền tảng tiền điện tử trên thuê bao di động và thanh toán điện tử để giảm thiểu những ma sát trong giao dịch trực tuyến, tăng mức độ dễ sử dụng, giảm thiểu chi phí cho người dùng, nhà cung cấp dịch vụ và cả các nền tảng số. Việc hợp tác với các công ty công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ trong cung ứng dịch vụ thanh toán là một giải pháp cần được các ngân hàng thương mại triển khai.
Thứ sáu, thực tiễn cho thấy, sự cần thiết trong việc bổ sung và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực để có thể thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng thương mại. Do vậy, trong khi việc đào tạo kỹ năng số căn bản cần được bắt đầu từ việc hợp tác chặt chẽ với các đơn vị giáo dục và đào tạo thông qua cải tiến chương trình đào tạo thì việc tăng cường vai trò của các chương trình đào tạo chuyên sâu của chính ngân hàng thương mại cho người lao động là một giải pháp cần làm ngay. Đây không chỉ là chương trình đào tạo nhất thời mà cần có các chương trình cập nhật và tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động thông qua cải tiến liên tục và học tập suốt đời.
Thứ bảy, các chính sách về an ninh mạng cần bảo đảm được sự cân bằng giữa mức độ an toàn cho ngân hàng và khách hàng, để khách hàng tin tưởng quyền lợi của họ được bảo vệ và mức độ triển khai, áp dụng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và áp dụng các công nghệ số hiện đại vào các hoạt động kinh doanh ngân hàng. Ngoài ra, các quy định nội bộ về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu liên quan tới dữ liệu cá nhân, dữ liệu số và các công nghệ số cần được hoàn thiện cho phù hợp với thay đổi của thực tiễn, ngay cả khi các quy định này chặt chẽ hơn so với các quy định của pháp luật.
Thứ tám, quá trình áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số nền kinh tế không chỉ diễn ra trong nội bộ một ngành, một đất nước mà sẽ có tác động qua lại với xu thế liên ngành, liên quốc gia và toàn cầu. Không chỉ cần đẩy mạnh công tác thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ nước ngoài (các đối tác quốc tế, nhà đầu tư chiến lược) cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ số, các ngân hàng thương mại cần có chính sách tăng cường xúc tiến, kết nối các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước với các tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ quốc tế có năng lực.
Tài liệu tham khảo:
1. Bukht R and Heeks R (2017). Defining, conceptualising and measuring the digital economy. GDI Development Informatics Working Papers, no. 68. University of Manchester, Manchester.
2. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N & Trinh H Y. Hajkowicz S (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.