Đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều ngành nghề có nguy cơ sẽ biến mất vì xu hướng tự động hóa. Yêu cầu đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học cần áp dụng đào tạo liên ngành trong công tác đào tạo nhân lực kế toán nhằm đáp ứng sự ưu việt của con người so với trí tuệ nhân tạo.
Bài viết tập trung phân tích yêu cầu cấp thiết phải áp dụng đào tạo liên ngành trong đào tạo nhân lực kế toán và đối sánh 3 chương trình đào tạo ngành kế toán của 3 cơ sở giáo dục khác nhau, từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tính tất yếu của đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Tác giả Schwab (2016) chỉ ra rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) rút ngắn khoảng cách giữa khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và ngược lại, cũng như giữa khoa học và công nghệ. Do đó, môi trường làm việc cũng sẽ có nhiều thay đổi, vì đó là sự tổng hòa và liên kết của nhiều lĩnh vực. Đội ngũ lao động sẽ có khuynh hướng phải giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, đa ngành. Điều này đòi hỏi nội dung giảng dạy mang tính liên ngành nhiều hơn trước đây.
Theo PGS., TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội (Hội thảo khoa học “CMCN 4.0 - Cơ hội và thách thức với các ngành Công nghệ - Kỹ thuật" (27/10/2018), chính những bước tiến đáng kinh ngạc trên một số lĩnh vực trụ cột của Cách mạng 4.0 như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa… đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các trường, viện cần sớm thực hiện đổi mới, trong cả hoạt động đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, chương trình thay đổi theo hướng tích hợp, liên ngành, tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực nền tảng và công nghệ lõi (hay công nghệ nguồn). Nội dung đào tạo cũng cần được thiết kế lại, theo hướng chú trọng kiến thức cơ bản, sâu rộng và tích hợp nhiều môn học nhằm nâng cao hiệu quả sáng tạo và khả năng thích ứng của sinh viên. Phương thức đào tạo cũng phải chuyển sang lấy việc học (thay vì dạy) làm trung tâm, thông qua cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học, trong đó có tăng cường các công cụ học trực tuyến hoặc trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo.
Trong một thời gian khá dài, đào tạo giáo dục đại học Việt Nam vẫn theo định hướng ngành hẹp và chuyên sâu. Đào tạo chuyên sâu giúp sinh viên có kiến thức sâu về chuyên ngành, có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, đào tạo liên/đa/xuyên ngành có ưu thế nổi bật hơn. Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động tương lai cần biết rộng và hội tụ nhiều kỹ năng nhận biết, giải quyết vấn đề hơn chỉ là những kiến thức chuyên sâu và hẹp, vốn có thể được giải quyết bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc điểm của các nền giáo dục qua các thời kỳ được mô tả tại Bảng 1.
Nghiên cứu liên ngành nói đến một hình thái cùng làm việc mang tính hợp tác và định hướng hội nhập giữa các nhà nghiên cứu từ những bộ môn khoa học khác nhau. Nghiên cứu đa ngành là tiếp cận một vấn đề từ nhận thức của nhiều lĩnh vực…; nhưng mỗi ngành học hoạt động theo cách thức khép kín mà ít có sự phân bổ chéo giữa các ngành, hoặc sức mạnh tổng hợp trong kết quả.
Nghiên cứu xuyên ngành là cần thiết khi kiến thức về một lĩnh vực vấn đề có liên quan đến xã hội là không chắc chắn, khi bản chất cụ thể của vấn đề bị tranh chấp và khi có rất nhiều vấn đề bị đe dọa đối với những người quan tâm đến vấn đề và tham gia giải quyết chúng.
So với các nước phát triển, nền khoa học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, so với nền khoa học ở thời kỳ bao cấp thì nền khoa học hiện tại của Việt Nam đã phát triển nhanh và sâu rộng trong ba thập niên qua. Với cơ sở vật chất, con người và thể chế, nền giáo dục đại học Việt Nam đang xây dựng khung chương trình đào tạo liên ngành nghĩa là nói đến khung chương trình đào tạo một ngành nhưng có tính hợp tác và định hướng hội nhập giữa các ngành đào tạo khác nhau (từ những bộ môn khoa học khác nhau hay xây dựng một ngành đào tạo mới là sự kết hợp giữa các ngành sẵn có lại với nhau). Kết quả của chương trình đào tạo liên ngành chính là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với sự kết hợp và biến đổi của công nghệ diễn ra thường xuyên liên tục trong cuộc CMCN 4.0.
Có thể lấy các yêu cầu của một kế toán viên làm ví dụ. Kế toán bao gồm các giai đoạn như: Thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin tài chính. Tuy nhiên, theo xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay, tất cả các giai đoạn này đều có thể được máy móc thay thế. Lúc này, kế toán viên phải là người hiểu về công nghệ, sử dụng thành thạo công nghệ trong thực hành. Như vậy, mỗi cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để thích ứng với xu thế phát triển, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc.
Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chung cho thấy, để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số, kế toán viên, kiểm toán viên hiện tại và tương lai không chỉ cần các yếu tố như sự thông minh, chỉ số cảm xúc mà phải bổ sung thêm các yếu tố cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp như kỹ năng công nghệ, tầm nhìn, ngôn ngữ quốc tế…
Đặc biệt, báo cáo nghiên cứu “Kế toán viên chuyên nghiệp trong tương lai – Những nhân tố dẫn đến sự thay đổi và kỹ năng tương lai” do ACCA công bố năm 2016 cũng cho thấy, trong kỷ nguyên số, mỗi kế toán chuyên nghiệp sẽ được phản ánh năng lực và kỹ năng trên 7 lĩnh vực: Kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm, trí thông minh, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng sáng tạo, chỉ số cảm xúc và tầm nhìn.
Khoa học liên ngành, vì lẽ đó, hình thành và phát triển như một quy luật tất yếu, giúp tăng sự liên thông, tương hỗ giữa các ngành và trên hết, góp phần vào giải quyết những vấn đề phức tạp của thực tiễn một cách thiết thực và trọn vẹn. Việc áp dụng chương trình đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành là cần thiết để đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực kế toán hội tụ đủ các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Thực trạng khung chương trình đào tạo ngành Kế toán tại một số cơ sở giáo dục Việt Nam
Đối sánh khung chương trình đào tạo ngành Kế toán tại Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho thấy, khối kiến thức chung và kiến thức chuyên môn khá đồng đều tại 3 trường, lần lượt là 1/5 và 1/3 khối lượng kiến thức cung cấp cho người học cả khóa học.
Tỷ lệ tín chỉ ngoại ngữ của Đại học Kinh tế quốc dân chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 đơn vị được so sánh (9,76% gồm 3 tiếng Anh và 1 tiếng Anh chuyên ngành), tiếp đến Đại học Vinh (5,34% gồm Tiếng Anh 1 và Tiếng Anh 2) cuối cùng là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (4,84% gồm Tiếng Anh cơ bản 1 & 2 và tiếng Anh chuyên ngành). Ngoại ngữ (đặc biệt ngôn ngữ quốc tế được sử dụng là tiếng Anh) là điều kiện cần để kế toán viên đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề trong bối cảnh mới.
Khối kiến thức về luật kinh tế đã được Đại học Kinh tế quốc dân (Luật Kinh tế) và Đại học Vinh (Luật Kinh tế và Quản lý nhà nước về kinh tế) đưa vào giảng dạy cho sinh viên, trong khi Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh chỉ dừng lại ở môn pháp luật đại cương và lồng ghép các luật kinh tế vào trong các chương trình học của khối kiến thức chuyên môn, chưa đứng độc lập để trở thành một môn để có tính hệ thống.
Các kiến thức về quản trị và kỹ năng mềm tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (1,61%) và Đại học Kinh tế quốc dân (1,63%) còn thấp so với Đại học Vinh (2,29%). Trong khung chương trình chuyên ngành kế toán tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã đưa môn kỹ năng mềm, do Khoa Sư phạm của Trường tham gia đào tạo, tuy nhiên với thời lượng 2 tín chỉ nên các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy phản biện… được giảng dạy vẫn chủ yếu là lý thuyết, chưa có thời gian thực hành nhiều trong khuôn khổ chương trình. Thời lượng sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao (14,52 % trong đó bao gồm 2 đợt thực tập: thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp).
Khối kiến thức tin học Đại học Kinh tế quốc dân chỉ chiếm 2,44% gồm tin học đại cương; Đại học Vinh chiếm 2,29% gồm tin học ứng dụng; Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh chiếm 5,65 % gồm tin học ứng dụng, kế toán máy và tin học ứng dụng trong kinh tế). Các trường đã chú trọng đến việc đưa các học phần thuộc khối kiến thức tin học vào chương trình giảng dạy ngành kế toán. Từ cơ sở sẵn có, các trường có thể xây dựng và phát triển ngành học mới có sự liên ngành đào tạo giữa công nghệ thông tin và kế toán.
Đào tạo theo hướng liên ngành có sự phối hợp đào tạo giữa các ngành nên yêu cầu các cơ sở giáo dục cần có một hội đồng liên ngành của từng ngành. Hiện nay, các cơ sở giáo dục chưa có hội đồng liên ngành đào tạo nhân lực kế toán để xác định các hướng mũi nhọn ưu tiên trong đào tạo nghiên cứu khoa học – công nghệ của liên ngành trong đào tạo nhân lực kế toán, để thẩm định chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, hay đề xuất phương án tổ chức các hoạt động liên kết giữa các đơn vị trong và ngoài cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học liên ngành.
Đổi mới chương trình đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trên cơ sở phân tích thực trạng ở trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm áp dụng hiệu quả chương trình đào tạo nhân lực kế toán theo hướng liên ngành trong bối cảnh CMCN 4.0 như sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo phù hợp với xu thế của thời đại và nhu cầu lao động nhân lực kế toán. Trong quá trình xây dựng khung chương trình đào tạo ngành Kế toán theo hướng liên ngành cụ thể là có sự kết nối với các khoa liên quan. Chẳng hạn như: Tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh có sự kết nối với các khoa công nghệ thông tin, khoa sư phạm, khoa ngoại ngữ để hoàn thiện khung chương trình theo hướng cập nhật kiến thức thực tế, kết nối với khoa lý luận chính trị xây dựng học phần luật kinh tế, trong đó cung cấp cho sinh viên các văn bản về chuẩn mực kế toán Việt Nam và thế giới, các văn bản thuế và các văn bản liên quan khác.
Ngoài thời gian học lý thuyết môn học kỹ năng mềm, có thể kết hợp với các câu lạc bộ tại trường, hội sinh viên để tạo buổi học ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ giúp sinh viên tăng thời gian thực hành các kỹ năng ngoài giờ lên lớp, giúp sinh viên thuần thục với các kỹ năng như thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ, làm việc hiệu quả trong môi trường có tính kết nối cao.
Hai là, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các cơ sở giáo dục có thể sử dụng từ điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có để mở thêm các ngành mới có sự liên ngành giữa các khoa. Ví dụ: Ngành Công nghệ - Kế toán, ngoài những kiến thức chuyên sâu của ngành, cần tăng thời lượng của các bộ môn thuộc khoa công nghệ thông tin như lập trình, bảo mật thông tin, cơ sở dữ liệu…
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ở chuyên ngành này sẽ có kiến thức về kế toán và công nghệ thông tin để vừa thực hiện các nghiệp vụ kế toán, vừa có khả năng sản xuất và vận hành các phần mềm phục vụ công tác kế toán. Nhà trường có thể tham khảo chương trình đào tạo ngành Kế toán – Công nghệ thông tin kinh doanh tại Trường Đại học Swinburne (Top 401-500 các trường đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng học thuật các trường đại học trên thế giới), trong đó có một số học phần về công nghệ thông tin như: Quản lý hệ thống thông tin, rủi ro và an ninh hệ thống thông tin, quản lý dự án bằng công nghệ thông tin, kế toán quản trị lập kế hoạch và kiểm soát…
Ba là, thành lập hội đồng liên ngành của trường, trong đó riêng đào tạo nhân lực kế toán bao gồm ủy viên Hội đồng khoa học và đào tạo có chuyên môn thuộc lĩnh vực liên ngành, đại diện lãnh đạo các khoa, một số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu uy tín có liên quan đến đào tạo nhân lực kế toán, ngoài ra có kế toán trưởng, kế toán viên, kiểm toán viên và đại diện các đơn vị sử dụng lao động trong lĩnh vực kế toán.
Kết luận
Để có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0, các cơ sở giáo dục cần phải có những bước chuyển mình để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình đào tạo nhân lực kế toán nhằm bắt nhịp cùng với xu hướng đào tạo của thế giới. Để làm được điều này, các cơ sở giáo dục cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên quan đến xây dựng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra chuẩn quốc gia và quốc tế; Thiết kế khung chương trình đào tạo có tính ứng dụng và liên ngành cao; Phát triển đội ngũ giảng viên, thay đổi phương pháp giảng dạy; Cải thiện và phát triển cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển đổi xu hướng đào tạo đơn ngành sang liên ngành không những là điều kiện sống còn của các cơ sở giáo dục nói chung, mà còn thể hiện trách nhiệm của các trường đối với xã hội trong việc cung cấp nhân lực kế toán chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0.
Tài liệu tham khảo
Minh Khuê (2018), “Đào tạo nhân lực 4.0 cho các ngành công nghệ, kỹ thuật”, https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N23060/dao-tao-nhan-luc-4.0-cho-cac-nganh-cong-nghe,-ky-thuat.htm>;
Minh Châu (2017), “Giáo dục đại học trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 12/2017”, https://vnuhcm.edu.vn/dao-tao_33376864/giao-duc-dai-hoc-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0/3939386864.html>;
Nguyễn Thế Cường (2018), “Nhận xét bước đầu về nghiên cứu đa ngành, liên ngành và xuyên ngành ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, Số 11(231)/2017, trang 76-80;
Trần Thị Ngọc Anh (2019), “Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán”, Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 9/2019;
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2020), Chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán ngày 08/07/2020;
Trường Đại học Vinh (2019), Chương trình đào tạo ngành: Kế toán (áp dụng từ khóa 58 trở đi;
Kế hoạch đào tạo K14 (phòng Đào tạo – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh);
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kế toán – Công nghệ thông tin kinh doanh Trường Đại học Swinburne;
Klaus Schwab (2016), The Fourth Industrial Revolution. Crown Business. ISBN 978-1-5247-5886-8, 6-7.