Chế tài đối với chậm giải ngân vốn đầu tư công!


Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo về đánh giá xếp loại tập thể lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị trong thực hiện đầu tư công năm 2023.

Theo đó, với tỷ lệ giải ngân dưới 50%, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng, đơn vị chỉ được đánh giá xếp loại cao nhất hoàn thành nhiệm vụ. Với tỷ lệ giải ngân từ 50% đến dưới 80%, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng, đơn vị chỉ được đánh giá xếp loại cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong cả hai trường hợp giải ngân dưới 50% và từ 50% đến dưới 80%, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị sẽ không được xét tặng Bằng khen của UBND thành phố và bộ, ngành Trung ương. Thủ trưởng các đơn vị này sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm quý IV/2023.

Với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 80% trở lên, tập thể lãnh đạo, thủ trưởng, đơn vị được đánh giá xếp loại cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tập thể lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị cũng được xét tặng Bằng khen của UBND Thành phố và bộ, ngành Trung ương; Thủ trưởng đơn vị được xét hưởng thu nhập tăng thêm quý IV/2023. Đây có thể coi là “chế tài” mạnh đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Chỉ đạo này của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với thành phố mà còn có ý nghĩa đối với một số địa phương khác khi mà tỷ lệ giải ngân khó có thể về đích theo yêu cầu. “Chế tài” này có ý nghĩa rất quan trọng khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, công chức, viên chức trong năm 2023.

Tính đến hết tháng 11, ước giải ngân năm 2023 cả nước đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó có nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao (có 3 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 75%). Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tính đến hết tháng 11 còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 15% và 8 địa phương giải ngân dưới 50%. Đây là một thách thức rất lớn để các bộ, ngành, địa phương này về đích đúng tiến độ yêu cầu được giao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan được nhắc nhiều nhất trong thời gian qua đó là do công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần. Việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng có những lý do khách quan một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn lãng phí, chưa hiệu quả. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tình trạng này cần sớm phải chấm dứt bởi cơ chế xử lý trách nhiệm, mà cách làm như của TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, trong nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội cũng nêu rõ, có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng “có tiền không tiêu được”, chấm dứt "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư công. Đặc biệt, hoàn thiện chế tài trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Bởi “chế tài” đối với tập thể, cá nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công cần được xử lý đồng bộ, tránh tình trạng nơi thì xử lý, nơi thì không.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn