Nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này đòi hỏi hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải liên tục nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm soát, thanh toán nguồn vốn quan trọng này để đề ra những giải pháp thiết thực.
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân
Theo KBNN, tính đến ngày 31/1/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 642.865,5 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Trong đó: Vốn trong nước thanh toán là 622.917,3 tỷ đồng (bằng 97,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN); Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 19.948,2 tỷ đồng (bằng 68,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN).
Mặc dù, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 96,2% kế hoạch vốn đạt kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã đề ra, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, KBNN nhận thấy có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Cụ thể, tháng 1/2023 là thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 (với số tiền là 58.638,9 tỷ đồng) và triển khai phân bổ kế hoạch vốn thuộc kế hoạch năm 2023. Cùng với đó, tháng 1/2023 cũng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, do kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2023 đến hết ngày 31/12/2023 nên các bộ, ngành và địa phương cũng phải tập trung nguồn lực để giải ngân nguồn vốn này (số vốn kế hoạch đến ngày 30/11/2023 là 59.027,7 tỷ đồng) nên cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023.
Trong việc phân bổ vốn đầu tư công, đến hết tháng 10, theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch vốn năm 2023 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết chiếm 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số vốn khoảng 14.188,5 tỷ đồng, nên cũng ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Đáng chú ý, với việc giải ngân các dự án ODA, KBNN chỉ ra rằng, các dự án sử dụng ODA vừa phải tuân thủ các quy định của nước ngoài, vừa phải đảm bảo các thủ tục trong nước, nên một số dự án trong năm 2023 cũng phải thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian.
Còn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, vì vậy, cấp có thẩm quyền phải sửa đổi, bổ sung một điều khi triển khai, thực hiện như Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thủ tục kiểm soát chi
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của năm 2023 và góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư công năm 2024 nói riêng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, thời gian tới KBNN sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính về cơ chế chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và các văn bản chỉ đạo điều hành ngân sách năm 2024, để phổ biến, quán triệt các cơ chế chính sách đến hệ thống KBNN nhằm nắm bắt, thực hiện tốt công tác kiểm soát chi, thanh toán vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
KBNN kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm soát, thanh toán nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước để đề ra, hướng dẫn hệ thống KBNN thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, KBNN tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết.
Đồng thời, tham gia với cấp có thẩm quyền về ban hành cơ chế chính sách vốn đầu tư công đảm bảo kịp thời, đảm bảo tính khả thi phù hợp tình hình thực tiễn trong công tác kiểm soát chi vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước.
KBNN cũng sẽ tăng cường giao dịch điện tử với hệ thống dịch vụ công trực tuyến đảm bảo tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, trung thực, an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, phù hợp với Luật Giao dịch điện tử; đồng thời, đảm bảo các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong giao dịch điện tử theo quy định của Bộ Tài chính.
KBNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, báo cáo cấp có thẩm hoàn thiện cơ chế, chính sách về thủ tục kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng: cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thực hiện trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, toàn hệ thống sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng giao dịch khi làm thủ tục thanh toán tại KBNN; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định gửi KBNN; chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 01 lần; không được để tồn đọng bất kì hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.
KBNN cũng nghiêm cấm công chức kiểm soát chi yêu cầu khách hàng giao dịch phải gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ quy định phải gửi KBNN và không được yêu cầu gửi hồ sơ giấy trước khi chuyển hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (đối với trường hợp thực hiện giao dịch qua hệ thống dịch vụ công theo quy định).