Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết được thực hiện thế nào?
Theo Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 – 2020 thì ngoài một số mức chi chung cho Chương trình, Thông tư cũng quy định mức chi đặc thù của từng dự án, trong đó, có các mức chi cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.
Có hiệu lực từ ngày 7/5/2018, Thông tư số 26/2018/TT-BTC quy định với hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, mức chi hỗ trợ cán bộ thực hiện các xét nghiệm phát hiện bệnh sốt xuất huyết tại gia đình gồm: Xét nghiệm để định loại véc tơ truyền bệnh: 5.000 đồng/mẫu; Xét nghiệm xác định độ nhạy cảm với hóa chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hóa chất (từ khâu bắt muỗi, nuôi muỗi và phát triển cho đủ số lượng muỗi của một mẫu và xét nghiệm): 600.000 đồng/mẫu;
Mức chi hỗ trợ cán bộ thực hiện xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết (từ khâu lấy máu, vận chuyển đến bảo quản và xét nghiệm) là 25.000 đồng/mẫu; Xét nghiệm PCR, giải trình tự gen là 30.000 đồng/mẫu.
Các mức hỗ trợ cán bộ thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút, người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi, người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch như sau: Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện nuôi cấy, phân lập vi rút: 40.000 đồng/mẫu; Chi trả công người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi: Mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Mức chi trả công cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch (không kể thành viên của hộ gia đình) là 3.000 đồng/hộ/lần. Mức hỗ trợ một ngày tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.