Chi ngân sách nhà nước đạt gần 657 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, luỹ kế chi ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 5/2024 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 5 tháng đầu năm 2024 đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023.
Trong số chi nêu trên, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 21,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 42,5% dự toán, tăng 10,1%; chi thường xuyên ước đạt khoảng 36,6% dự toán, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2023.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng gần 7 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới cắm mốc biên giới; kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 13,5 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cũng theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 24/5/2024, còn khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng dự toán kinh phí thường xuyên đã giao của các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách để triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đã đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương khẩn trương thực hiện phân bổ, giao dự toán theo quy định.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ nội dung quy định thực hiện cắt giảm đối với dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng sau ngày 30/6/2024 chưa phân bổ dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định để siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Riêng về chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính cho biết, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 663,8 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương...) khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 688,9 nghìn tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,4%).
Như vậy, vẫn còn gần 17,6 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết của 21 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương, chiếm 2,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7,4 nghìn tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 10,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm ước đạt gần bằng cùng kỳ năm 2023, nhưng số vốn thấp hơn khoảng 8,9 nghìn tỷ đồng (-5,6%) so cùng kỳ.
Về cân đối ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/5/2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 126 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,1 năm, lãi suất bình quân 2,24 %/năm.