Chỉ số đo lường và định hướng đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Hiện nay, hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hình thành khá đầy đủ các cấu phần cần thiết, trong đó có các định chế tài chính, công cụ tài chính và mô hình giám sát. Tuy nhiên, rủi ro an ninh tài chính vẫn luôn còn tiềm ẩn. Bài viết nhận diễn các chỉ số đánh giá tình hình an ninh tài chính và đề xuất một số định hướng nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
An ninh tài chính là một phần quan trọng và không thể tách rời của an ninh kinh tế và là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các thành phần khác của an ninh kinh tế. An ninh tài chính của một quốc gia là một trong những yếu tố cơ bản của nền độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bất ổn thường trực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cho đến nay, hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam đã hình thành khá đầy đủ các cấu phần cần thiết, trong đó có các định chế tài chính, công cụ tài chính và mô hình giám sát. Tuy nhiên, rủi ro an ninh tài chính vẫn luôn còn tiềm ẩn, do vậy việc nhận diện chính xác các dấu hiệu phản ánh tính hình an ninh tài chính quốc gia sẽ là cơ sở để đánh giá các biện pháp đảm bảo an ninh tài chính và đề xuất hướng điều chỉnh phù hợp.
Quan niệm về an ninh tài chính
An ninh tài chính là khái niệm để chỉ một tình trạng tài chính ổn định, an toàn và vững mạnh (Tào Hữu Phùng, 2004), trong đó có thể hiểu cụ thể như sau:
- Ổn định được hiểu duy trì hoạt động bình thường, không có những biến động đột ngột, thất thường và ổn định trong sự vận động, phát triển.
– An toàn là trạng thái không bị tác động nguy hiểm từ mọi phía, từ phía các tác động bên trong và bên ngoài. Nếu ổn định là tiền đề có tính chất nền tảng thì an toàn là cốt lõi chi phối toàn bộ quá trình vận động của tình trạng tài chính.
– Vững mạnh là cơ sở cho sự ổn định và an toàn. Một trạng thái tài chính yếu không thể giữ được ổn định và đảm bảo an toàn
Có nhiều cách thức để phân loại an ninh tài chính. An ninh tài chính có thể phân chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên các tiêu chí cụ thể:
– Theo cấp hay phạm vi quản lý: An ninh tài chính quốc gia, an ninh tài chính doanh nghiệp và an ninh tài chính cá nhân.
– Theo lĩnh vực: An ninh tài chính khu vực nhà nước, an ninh tài chính các khu vực trung gian tài chính và an ninh tài chính khu vực doanh nghiệp và cư dân.
– Theo chức năng tài chính: An ninh tài chính trong huy động các nguồn lực tài chính; an ninh tài chính trong phân bổ các nguồn lực tài chính và an ninh tài chính trong sử dụng các nguồn lực tài chính.
Bộ chỉ số an toàn vĩ mô của ADB để đánh giá mức độ an ninh tài chính
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thông qua dự án hỗ trợ về kỹ thuật (RETA 5869), cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), NHTW Đức, Nhật, Hàn Quốc, Tổng cục thống kê Australia và Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á Thái bình Dương (UNESCAP) thực hiện việc phát triển một hệ thống các chỉ số MPI chung cho một số các quốc gia thành viên đang phát triển, với mục tiêu: (i) Xác định và biên soạn một bộ chỉ số lành mạnh tài chính có thể được sử dụng để giám sát thị trường tài sản và tài chính; (ii) Tăng cường sức mạnh thể chế cho NHTW các quốc gia được lựa chọn trong việc thiết lập và phân tích các chỉ số có liên quan đến giám sát khủng hoảng; (iii) Tạo điều kiện so sánh sự đổ vỡ tài chính và kinh tế giữa các quốc gia (Bhattacharyay, 2003).
Bộ chỉ số của ADB bao gồm 67 chỉ số an toàn vĩ mô chung và 43 chỉ số an toàn vĩ mô bổ sung được chia thành các nhóm sau:
Thứ nhất, nợ nước ngoài và các dòng vốn đầu tư (8 chỉ số): Các chỉ số này đánh giá cơ cấu nợ và các dòng vốn vào quốc gia;
Thứ hai, tiền tệ và tín dụng (17 chỉ số): Các chỉ số này đánh giá các điều kiện về tiền tệ (tăng trưởng, cơ cấu mức cung tiền) và tín dụng (tăng trưởng, cơ cấu tín dụng)… Sự gia tăng của mức cung tiền là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ rủi ro cho ổn định tài chính, bởi dư thừa tiền trong nền kinh tế gây nên lạm phát hoặc đầu tư quá mức, nội tệ tăng giá thực, giảm lợi thế trong xuất khẩu, đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy yếu, dễ tổn thương trước những cú sốc. Bùng nổ tín dụng đi kèm với tăng trưởng cung tiền không chỉ ảnh hưởng đến tỷ giá mà còn làm suy giảm chất lượng tín dụng và đây cũng là chỉ tiêu tiêu chỉ báo cho khủng hoảng ngân hàng (Evans và cộng sự, 2000);
Thứ ba, ngân hàng (14 chỉ số): Các chỉ số này chủ yếu phản ánh cơ cấu và chất lượng tài sản (tín dụng) của ngân hàng. Bên cạnh chỉ tiêu về nợ xấu, tỷ trọng cho vay bất động sản của ngân hàng cũng là một chỉ số đáng quan tâm bởi sự tập trung cho vay vào lĩnh vực này dễ dẫn đến chu kỳ bùng nổ và vỡ bong bóng. (Bhattacharyay và Nerb, 2003);
Thứ tư, lãi suất (12 chỉ số): Các chỉ số này bao gồm các mức lãi suất chính sách, lãi suất thị trường, lãi suất trái phiếu. Lãi suất trên thị trường tiền tệ/thị trường liên ngân hàng là chỉ số quan trọng bởi sự gia tăng của mức lãi suất này là dấu hiệu của căng thẳng thanh khoản trong khu vực ngân hàng. Ngoài ra, gia tăng lãi suất còn làm trầm trọng thêm tình trạng lựa chọn đối nghịch trong thị trường tài chính;
Thứ năm, thị trường cổ phiếu (9 chỉ số): Các chỉ số này chủ yếu phản ánh mức độ ổn định của thị trường cổ phiếu thông qua các chỉ tiêu biến động giá chứng khoán, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Sự phát triển của thị trường chứng khoán là dấu hiệu cho những thay đổi trong nhận thức của nhà đầu tư. Sự giảm giá chứng khoán kết hợp với giảm giá trị vốn hóa thị trường (% GDP) là dấu hiệu mạnh mẽ của căng thẳng trong thị trường vốn, và sớm hay muộn thì bất ổn sẽ lan truyền đến khu vực kinh tế thực.
Thứ sáu, thương mại, tỷ giá và dự trữ ngoại hối (10 chỉ số): Các chỉ số này đánh giá những bất ổn của khu vực bên ngoài thông qua các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, biến động tỷ giá và dự trữ ngoại hối. Nếu đồng tiền lên giá thực mà không đi kèm với lợi ích năng suất lao động tương ứng thì chứng tỏ là lợi thế cạnh tranh thương mại bị suy yếu, gia tăng tổn thương cho nền kinh tế. Nhóm này bao gồm các chỉ số như sau:
- Tăng trưởng xuất khẩu (%): % chênh lệch xuất khẩu so với kỳ trước (tính theo giá FOB);
- Tăng trưởng nhập khẩu (%): % chênh lệch nhập khẩu so với kỳ trước (tính theo giá CIF);
- Cán cân thương mại (triệu USD): Chênh lệch giữa xuất khẩu (FOB) và nhập khẩu (CIF);
- Thâm hụt (Thặng dư) cán cân vãng lai (triệu USD);
- Tỷ giá (trung bình trong kỳ): Nội tệ/USD;
- Tỷ giá (cuối kỳ): Nội tệ/USD;
- Tỷ giá thực trung bình: Chỉ số tỷ giá bình quân giữa nội tệ và một rổ các ngoại tệ được lựa chọn, phản ánh sự dịch chuyển giá tương đối trong nước với các quốc gia được lựa chọn;
- Dự trữ ngoại hối (triệu USD): Bao gồm tổng dự trữ - (Vàng + Giá trị vàng quốc gia);
- Tăng trưởng dự trữ ngoại hối (%) :% chênh lệch dự trữ ngoại hối so với kỳ trước;
- Dự trữ ngoại hối (% nhập khẩu): Dự trữ ngoại hối/ Tổng nhập khẩu
Thứ bảy, dữ liệu khảo sát doanh nghiệp (9 chỉ số): Các chỉ số này chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, ngoài ra còn các lĩnh vực xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ. Những dữ liệu của khu vực doanh nghiệp là một chỉ báo tốt cho nền kinh tế thực cũng như cho khu vực tài chính bởi các chỉ số này phản ánh những đánh giá về tiềm năng lợi nhuận và tầm nhìn của nhà quản trị doanh nghiệp.
Khác với các bộ chỉ số được gợi ý bởi IMF hay ECB, bộ chỉ số MPI của ADB không tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, mà theo hướng tiếp cận vĩ mô, xem xét đánh giá mức độ lành mạnh của nhiều lĩnh vực trong tổng thể nền kinh tế, và ngân hàng chỉ là một trong các lĩnh vực được xem xét đến. Ngoài ra, bộ chỉ số này cũng là sự gợi ý cho các quốc gia trong khu vực châu Á trong việc đo lường ổn định tài chính. Sự phát triển hệ thống các chỉ số MPIs của ADB và các chỉ số MPIs bổ sung cho các quốc gia đặc thù trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo điều kiện để giám sát đổ vỡ tài chính và kinh tế của từng quốc gia cũng như so sánh các quốc gia với nhau.
Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia thông qua đáp ứng bộ chỉ số quốc tế
Nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong thời gian tới, một số nội dung cần tập trung thực hiện gồm:
Một là, cải thiện chính sách tài khóa và tăng cường giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Cần cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước để tăng tỷ lệ thu nội địa. Các chính sách thu cũng cần được hoàn thiện phù hợp với trình độ phát triển và mở cửa nền kinh tế, hướng đến việc thiết lập một cơ cấu thu ngân sách nhà nước hợp lý, bền vững và cạnh tranh.
Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp để mở rộng cơ sở thuế, chống lại xói mòn nguồn thu từ các khu vực kinh tế phi chính thức và hoạt động thương mại điện tử. Ưu tiên cần được đưa ra cho việc nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững để tạo nguồn thu ngân sách ổn định và vững chắc.
Thứ hai, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa và bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Đồng thời, cần khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, đặc biệt là đất đai, tài nguyên, tài sản tại khu vực sự nghiệp công và các loại kết cấu hạ tầng giao thông để huy động vốn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Thứ ba, đảm bảo sự bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, thực hiện thông qua xây dựng một cơ cấu chi ngân sách nhà nước phù hợp hơn, đồng thời gắn chính sách chi ngân sách nhà nước với các định hướng phát triển trung và dài hạn, khắc phục tình trạng phân tán trong phân bổ nguồn lực tài chính công.
Thứ tư, đảm bảo tính bền vững của tài khóa và an ninh tài chính công, cần thực hiện kỷ luật tài khóa. Điều này có thể đạt được thông qua các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo trả nợ đầy đủ và đúng hạn, đồng thời tránh sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư không có hiệu quả kinh tế - xã hội. Để giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, cần tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn và tái cơ cấu danh mục nợ...; Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn; tái cơ cấu danh mục nợ để giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản…; Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Thứ năm, tăng cường tính hiệu quả của cơ chế điều phối giám sát tài chính, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, nhận diện rủi ro và phối hợp chính sách giữa các cơ quan giám sát trong mạng lưới an toàn tài chính, nhằm đảm bảo ổn định tài chính. Cân nhắc sử dụng mô hình giám sát hợp nhất để khắc phục những hạn chế của mô hình giám sát độc lập, giám sát toàn diện các hoạt động liên thị trường của các tổ chức tài chính trung gian; đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu để giám sát các rủi ro vượt biên giới, rủi ro hệ thống và thực hiện chuẩn mực an toàn tài chính tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế (Basel II & III, IOSCO, Solvency II), để đảm bảo an ninh trên thị trường tài chính và giảm thiểu rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
- Hoàng Đức Long, Hồ Thủy Tiên, Đo lường mức độ an ninh tài chính của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, Đề tài NCKH cấp Bộ - Bộ Tài chính, Mã số 2017-31;
- Tào Hữu Phùng, “An ninh tài chính quốc gia – lý luận, cảnh báo và đối sách”, NXB Tài chính, 2004;
- Lê Thị Thùy Vân, “Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia: Thách thức và khuyến nghị cho giai đoạn 2021-2030”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 4/2021;
- Phùng Thu Hiền Vân, Lê Thị Ngọc Tú, An ninh tài chính – tiền tệ tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 4/2017;
- Bhattacharyay B. N., 2003, Towards a macro-prudential leading indicators framework for monitoring financial vulnerability, CESifo Working Paper No. 1015;
- Evans O. et al., 2000, Macroprudential Indicators of Financial System Soundness, IMF Occasional Paper 192.