Tăng cường quản lý nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022.
Dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022.

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tính đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quản lý nợ công đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ có nhiều biến động bất lợi, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng cường quản lý nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực trạng quản lý nợ công ở Việt Nam

Bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, để đảm bảo ngưỡng nợ công trong giới hạn cho phép.

Với việc triển khai hiệu quả các giải pháp, đến cuối năm 2022 các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa; từ đó tạo dư địa dự phòng để chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.

Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn phát hành dài; nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng.

Đối với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại.

Đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nắm giữ TPCP của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 61% tổng dư nợ, đảm bảo mục tiêu các tổ chức phi ngân hàng nắm giữ 60% tổng dư nợ TPCP đến năm 2030 (tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030).

Đối với nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Về cơ cấu đồng tiền vay, dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022, nợ bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD, EUR, JPY phù hợp với định hướng nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.

Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường. Việc tái cơ cấu danh mục TPCP thông qua kéo dài kỳ hạn phát hành và duy trì thời gian đáo hạn bình quân (ATM) ở mức hợp lý giúp giảm rủi ro tái cấp vốn (đảo nợ) của ngân sách theo đúng chủ trương của Đảng và Quốc hội tại Nghị quyết số 07/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Toàn bộ TPCP phát hành từ đầu năm 2022 đến nay có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Việc quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là nền tảng quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả.

Thực hiện đúng mục tiêu quản lý nợ theo Chiến lược đề ra, triển khai các biện pháp huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường TPCP trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn.

Quán triệt nghiêm túc việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn vay và nợ công. Căn cứ Luật Quản lý nợ công và Nghị quyết số 07-NQ/TW, thời gian qua, việc huy động vốn để đáp ứng nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, từng bước sát với nhu cầu thực tế, giảm thiểu rủi ro.

Tăng cường quản lý nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia  - Ảnh 1

Đối với huy động TPCP trong nước, kỳ hạn, lãi suất đã diễn biến thuận lợi hơn giai đoạn trước. Các nguồn lực có chi phí thấp được sử dụng linh hoạt, cơ sở nhà đầu tư được đa dạng hóa để giảm thiểu phụ thuộc vào ngân hàng thương mại.

Đối với huy động vốn ODA, ưu đãi nước ngoài, trong bối cảnh vốn ODA giảm, điều kiện vay tiến sát thị trường, các chương trình, dự án được sàng lọc kỹ và phải hoàn thành thủ tục đầu tư mới đàm phán ký kết đảm bảo lợi ích quốc gia.

Nhờ triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ công, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam liên tục được các tổ chức nâng hạng. Cụ thể, ngày 26/5/2022, tổ chức S&P đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng Ổn định; ngày 6/9/2022, tổ chức Moody’s nâng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Hiệu quả kiểm soát nợ công an toàn, bền vững trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các tổ chức xếp hạng ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng tín nhiệm của nước ta.

So với mục tiêu đạt mức xếp hạng Đầu tư đề ra tại Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 (tại Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Việt Nam còn cách một bậc đối với thang điểm của S&P và hai bậc đối với thang điểm của Moody’s.

Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu còn có nhiều biến động và thách thức có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín quốc gia, cũng như tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công của Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức sau:

Một là, việc viải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra, nhất là đối với vốn ODA. Việc tổ chức thực hiện các chương trình dự án về cơ bản đạt mục tiêu đề ra, nhưng có dự án triển khai còn chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Hai là, áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt đối với nợ bằng USD và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.

Ba là, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, việc các nước tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến nợ công, vị thế xuất nhập khẩu ròng... của nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam với quy mô nền kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn.

Đối với nợ trong nước, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước đã tăng đáng kể trên tất cả các kỳ hạn. Thời gian tới, dự kiến tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, thách thức khó lường.

Các yếu tố tác động tới thị trường trái phiếu có thể là việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát của nhiều ngân hàng trung ương các nước; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều giải pháp điều hành theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ, các khoản vay bằng USD và các khoản vay với lãi suất thả nổi chiếm tỷ trọng vừa phải (chiếm tương ứng 40% và 13% dư nợ nước ngoài của Chính phủ).

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí huy động vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp, đặc biệt các khoản vay bằng USD, gây tác động bất lợi đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp có sử dụng vốn vay nước ngoài...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, cũng như thực hiện hiệu quả công tác quản lý nợ công, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách: nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi khuôn khổ pháp lý về NSNN để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Tiếp tục rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công nhằm tiếp tục cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Thứ hai, sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.

Về huy động vốn TPCP, chủ động điều hành khối lượng phát hành TPCP theo khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn TPCP, linh hoạt phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dưới 5 năm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay của ngân sách trung ương, hài hòa dòng trả nợ của ngân sách trung ương, giảm chi phí vay nợ so với vay trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

Kết hợp sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, vay ngân quỹ nhà nước… xây dựng phương án huy động vốn phù hợp, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách trung ương, tăng cường gắn kết giữa quản lý ngân quỹ, quản lý nợ công và quản lý ngân sách nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo hướng: Rà soát, hoàn thiện quy định về pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.

Thứ tư, áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn (trong trường hợp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, thiết lập đệm dự trữ nhanh chóng hơn, góp phần kiểm soát lạm phát).

Củng cố các khuôn khổ tài khoá, giúp nâng cao hiệu quả chi tiêu và đảm bảo bền vững tài khoá. Nghiên cứu, tiến tới nâng cấp khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia.

Thứ năm, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.

Khi điều kiện thị trường thuận lợi, thực hiện nghiệp vụ quản lý nợ chủ động thông qua mua lại, hoán đổi trái phiếu; tính toán lựa chọn công cụ nợ mới với kỳ hạn phù hợp để giãn lịch trả nợ gốc qua các năm, tránh tình trạng nghĩa vụ trả nợ gốc tập trung cao vào một số thời điểm.

Thứ sáu, tăng cường tiếp xúc, quảng bá với nhà đầu tư TPCP trong và ngoài nước, cải thiện hiệu quả công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng Đầu tư, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Tài liệu tham khảo:

1. Luật Quản lý nợ công;

2. Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

3. Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025;

4. Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030;

5. Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2022