Đảm bảo an ninh tài chính khi thực thi các FTA thế hệ mới
Việc ký kết và thực thi các Hiệp định thươngh mại tư do (FTA) thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao đã mở ra cơ hội tăng trưởng thương mại, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới cũng có thể tạo ra bất ổn nhất định về tài chính với doanh nghiệp và quốc gia.
Các FTA thế hệ mới tạo ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc, song đồng thời cũng kèm theo các thách thức cho việc đảm bảo an ninh tài chính.
Việc mở cửa thị trường tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các tổ chức tài chính đến từ các quốc gia phát triển, nhất là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và mức độ số hóa cao. Yêu cầu của khách hàng đối với dịch vụ tài chính sẽ ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở sự so sánh giá cả mà sẽ còn là sự đa dạng và chất lượng dịch vụ.
Điều này đỏi hỏi các tổ chức tài chính, các ngân hàng Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi, số hóa để thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới
Dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo tăng lên dưới tác động của các FTA thế hệ mới, song cùng tiềm ẩn thách thức đối với lĩnh vực tài chính. Đó là nguy cơ bị sáp nhập nếu không nâng cao khả năng quản trị, không có biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Ở góc độ vĩ mô, luồng vốn vào – ra lớn khiến thị trường vốn trong nước có thể biến động mạnh khi có các hoạt động rút vốn nhanh của khối ngoại, đặc biệt trên thị trường chứng khoán
Việc mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ và đầu tư trong các FTA thế hệ mới, mở rộng sự tham gia của các bên nước ngoài, sự kết nối, liên thông với các thị trường tài chính khu vực và quốc tế, sự luân chuyển của dòng vốn sẽ làm cho thị trường tài chính trong nước trở nên nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ cao khi cơ sở hạ tầng thị trường tài chính phát triển không tương ứng với tốc độ phát triển của thị trường.
Kết hợp với xu thế mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, đây cũng sẽ là những thách thức đối với việc giám sát, quản lý rủi ro, duy trì sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.
Nguy cơ bất ổn tài chính gia tăng. Hội nhập càng sâu rộng thì nguy cơ bất ổn từ bên ngoài càng lớn và đến càng nhanh, đặc biệt đối với dịch vụ tài chính là ngành huyết mạch của nền kinh tế. Đây là thực tế phải chấp nhận và Việt Nam cần phải có các phương án chuẩn bị đối phó. Ngoài ra, còn nhiều nguy cơ khác như các doanh nghiệp nội địa không cạnh tranh được với các tập đoàn tài chính nước ngoài, mất thị trường…
Điều này dẫn đến những hệ lụy trong hoạt động quản lý nhà nước có thể sẽ xảy ra. Đó là hiện tượng chuyển giá ngày càng gia tăng và khó quản lý (vì các ngân hàng nước ngoài thường đi theo các doanh nghiệp nước họ khi đầu tư ra nước ngoài…).
Sẽ có rất nhiều khó khăn cho Việt Nam trong đối phó với các vấn đề tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài như chuyển giá, bất ổn về an ninh tiền tệ, thất thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, với xu hướng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, hoạt động rửa tiền của các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước sẽ tăng lên, tạo áp lực đối với các cơ quan quản lý.
Cùng với đó, lĩnh vực tài chính của Việt Nam bên cạnh các kết quả khả quan trong những năm gần đây thì vẫn còn đã và đang bộc lộ những khó khăn lớn, tác động mạnh tới khả năng đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh thực thi các cam kết FTA thế hệ mới, điển hình như:
Một là, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế, phí còn dựa vào các sắc thuế gián thu (như thuế giá trị gia tăng), trong khi thu từ thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, không kể dầu thô) thấp hơn nhiều do điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tác động của đại dịch COVID-19 càng thể hiện rõ hơn điều này và tình hình được dự báo còn tiếp tục khó khăn trong một số năm tiếp theo. Thu NSNN còn dựa vào các khoản thu từ vốn, các khoản thu có tính chất một lần, không tái tạo (như thu từ thoái vốn, cổ tức, tiền sử dụng đất…); trong khi các nguồn thu này có xu hướng chững lại do những vấn đề nảy sinh từ thị trường chứng khoán cũng như xu hướng kiểm soát dòng tiền vào bất động sản.
Cơ cấu thu nội địa chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN so với nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Hai là, cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài với hàm lượng ưu đãi cao từ các nhà tài trợ giảm xuống, đòi hỏi Chính phủ phải tăng cường việc vay thương mại theo các điều khoản thị trường, tiếp tục gây áp lực gia tăng chi phí, yêu cầu huy động vốn để cân đối nguồn chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/ tổng thu NSNN tăng dần, từ mức 15,8% năm 2016 lên mức 17,4% vào cuối năm 2019 và dự báo cao nhất vào khoảng 22-23% trong năm 2022, tiệm cận ngưỡng an toàn 25% do Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng thu NSNN trong những năm gần đây không theo kịp tốc độ tăng nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách tăng.
Ba là, quy mô thị trường cổ phiếu ở mức thấp so với các thị trường trong khu vực ASEAN, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu của Việt Nam chỉ tương đương 26,8% của Indonesia; 23,3% của Thái Lan; 29,5% của Malaysia; 16,8% của Singapore và 50,1% của Philippines.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường bảo hiểm hiện nay ở mức thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực (3 - 5%) và thế giới (6-7%), chưa có các cơ chế quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong quản trị, điều hành. Trên thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi.
Nhiều mã chứng khoán đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro: một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; một số tổ chức cung cấp dịch vụ... chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.
Hội nhập quốc tế được xác định là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu những thách thức và khó khăn trong việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia khi thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới là hết sức cần thiết; trên cơ sở đó xây dựng những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, tăng cường tận dụng những lợi ích mà các FTA thế hệ mới đem lại.