Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng đáng kể tại Doing Business 2019
Trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, thì có 2 cải cách thuộc Chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, gồm: Cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2019 với chủ đề "Đào tạo để cải cách”. Trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đạt 68,36 điểm trên 100.
Theo báo cáo này, Việt Nam tụt 1 bậc trong chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh, từ 68 xuống 69 trên 190 nước trong bảng xếp hạng, mặc dù điểm tổng của Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36 và năm vừa qua.
Theo báo cáo, Việt Nam có nhiều cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là: thành lập doanh nghiệp, nộp thuế và thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133. Trong đó, lĩnh vực được đánh giá cao nhất vẫn là xin giấy phép xây dựng (xếp thứ 21) và lĩnh vực được đánh giá thấp nhất là xử lý khi mất khả năng thanh toán (xếp thứ 133).
TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể tại Báo cáo Doing Business 2019.
Cụ thể, chỉ số này đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, như vậy tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bậc so với năm 2017. Nổi bật, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB ghi nhận trong năm 2018 thì có 2 cải cách thuộc Chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, gồm: Cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày; Trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, thực hiện trong 25,9 ngày.
Để có thể cải cách hơn nữa, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay. Bộ Tài chính cần bảo đảm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về thời gian mua/tự in hóa đơn VAT theo quy định hiện hành.
Nếu quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc, thời gian hoàn thành thủ tục sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 4 ngày, giúp giảm 6 ngày trong tổng thời gian thực hiện quy trình khởi sự kinh doanh.
“Về lâu dài, cần có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về khả năng liên thông điện tử giữa thủ tục Đăng ký kinh doanh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội để đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình khởi sự kinh doanh, việc liên thông điện tử này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian gia nhập thị trường”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.