Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội bảy tháng tăng 4%

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Do tác động từ dịch bệnh COVID-19, kim ngạch xuất khẩu trong bảy tháng của thành phố chỉ đạt 8,3 tỷ USD và nhập khẩu là 16,3 tỷ USD, tương ứng giảm 7,6% và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội bảy tháng tăng 4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội bảy tháng tăng 4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội trong tháng Bảy tăng 4,9% so với tháng Sáu và lũy kế bảy tháng đã tăng 4%. Theo đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 307.900 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, người dân Thủ đô đã chi ra 1,97 triệu tỷ đồng cho tiêu dùng.

Tuy nhiên do tác động từ dịch bệnh COVID-19,  kim ngạch xuất khẩu trong bảy tháng của thành phố là 8,3 tỷ USD và nhập khẩu là 16,3 tỷ USD, tương ứng giảm 7,6% và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong bảy tháng chỉ đạt 6,13 triệu lượt và giảm đến 63,3% so với cùng kỳ.

Thông tin trên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội- Nguyễn Đức Chung đưa ra tại hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng Bảy, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng Tám và các tháng cuối năm, ngày 29/7 vừa qua.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các đơn vị của thành phố đã bám sát và triển khai quyết liệt, toàn diện nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy… trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Theo đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong bảy tháng đã đạt 165.960 tỷ đồng và đạt 55,9% dự toán, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương thực hiện 37.000 tỷ đồng, đạt 35,8% dự toán, tăng 8,1%. Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển tăng 29,6%, song chi thường xuyên lại giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Thành phố có 14.798 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 203.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên con số 293.121.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác gieo trồng vụ mùa có nhiều thuận lợi với diện tích lúa đạt hơn 80.000 ha đang sinh trưởng tốt. Chăn nuôi trâu, bò ổn định với quy mô đàn 24.700 con và đàn gia cầm 37,5 triệu con, tương ứng tăng 2,1% và  tăng 4,2% so với cùng kỳ. Riêng chăn nuôi lợn vẫn còn khó khăn, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm, bởi nguồn cung giống bị hạn chế đồng thời giá con giống cao, hiện quy mô đàn lợn đạt 1,26 triệu con, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.

Ông Chung cho biết Ủy ban nhân dân Thành phố đã kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 15/7 về Chương trình hành động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng, Hà Nội đã ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 26/7 chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung ứng phó các diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố đã chủ trì 2 hội nghị trực tuyến của “Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội” tới các đơn vị trực thuộc. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương xác minh, truy vết, sàng lọc đối tượng di chuyển từ thành phố Đà Nẵng về Hà Nội để tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán, xác định các trường hợp mắc bệnh.

Trong tháng Bảy, thành phố cũng thực hiện công tác hỗ trợ nhập cảnh theo đề nghị của các đại sứ quán và hỗ trợ giải quyết đề nghị của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng Tám và các tháng cuối năm, Chủ tịch Thành phố Hà Nội cho biết dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam với số ca mắc liên tục ghi nhận ngoài cộng đồng trong thời gian ngắn, thêm vào đó vi rút SARs-CoV-2 biến chủng khó lường. Tính đến sáng ngày 30/7, thành phố ghi nhận 2 ca nhiễm mới.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế toàn cầu tăng trưởng bấp bênh, tăng trưởng âm kéo dài và có thể giảm sâu hơn nếu dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng đến cuối năm… Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác và tập trung các nhiệm vụ chính, kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn Thành phố, khởi động lại toàn bộ hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng dịch các quận, huyện, thị xã và đội phản ứng nhanh tại cơ sở-Giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong giai đoạn 3-giai đoạn phức tạp và khó khăn hơn các giai đoạn trước.

Mặt khác, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách, chi ngân sách hiệu quả, như đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất, khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Thành phố cũng cơ cấu cân đối nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm, hạ tầng các huyện xa trung tâm và tập trung rà soát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đẩy nhanh các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020./.