Chi thường xuyên sẽ giảm dần trong tổng chi ngân sách

PV.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/9.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2017 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2017 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước sẽ giảm dần từ nay đến 2020 nhằm

tăng chi cho trả nợ và đầu tư phát triển.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, Dự thảo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết, khuyến khích các cơ quan, đơn vị tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu nhập cho người lao động, góp phần từng bước cơ cấu lại ngân sách.

Theo Dự thảo, định mức phân bổ chi thường xuyên của bộ, cơ quan Trung ương căn cứ vào biên chế được giao.

Định mức phân bổ chi sự nghiệp căn cứ vào mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật có liên quan. 

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiêu chí phân bổ chính là theo dân số, ngoài ra là các tiêu chí bổ sung theo từng lĩnh vực.

Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2016 dành cho chi đầu tư phát triển là 20% và chi thường xuyên 64,7%.

Nếu tính theo tiêu chí, định mức nói trên, năm 2017 chi đầu tư phát triển sẽ tăng lên 24,7%, trong khi chi thường xuyên chỉ còn 63,9%.

Trên cơ sở đó, đến năm 2020, chi thường xuyên sẽ giảm xuống khoảng 58 – 60% theo Luật Ngân sách nhà nước trước đây và 60 – 62% theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Từ đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chung là giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển.

Đánh giá cao về Dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, xu hướng giảm chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách là rất tích cực, từ đó tăng chi cho đầu tư phát triển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 100% với các nguyên tắc, tiêu chí, định mức của Dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến phù hợp tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Quốc hội xem xét.