"Chìa khóa" để kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng mức 6,7-6,9%
Xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7-6,9%; lạm phát được kìm giữ.
Ngày 15/7, tại Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Trong kịch bản 1, các căn cứ dự báo là: Tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021...
Từ các cơ sở dữ liệu nêu trên, dự báo tăng trưởng GDP ở kịch bản 1 sẽ ở mức 6,7%; lạm phát bình quân ở mức 4%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 15,8%; cán cân thương mại thặng dư 1,2 tỷ USD.
Ở kịch bản 2, CIEM giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh các yếu tố như: GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỉ giá VND/USD của Ngân hàng thương mại tăng 2%; tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng và đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).
Ở kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ ở mức 6,9%; lạm phát bình quân ở mức 3,7%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 16,3%; cán cân thương mại thặng dư 2,7 tỉ USD.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực là dấu hiệu lạc quan cho tăng trưởng cả năm 2022.
Đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng xanh, "phục hồi xanh"
Theo các chuyên gia kinh tế của CIEM, triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố: Khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kìm chế lạm phát trong giới hạn; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng trưởng xuất khẩu...
Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định: Trong báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam” do Chương trình Aus4Reform tài trợ và công bố vào tháng 4.2021, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.
“Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh” - TS. Trần Hồng Minh nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và "phục hồi xanh", gắn với ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.