Kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Việt Hoàng

Tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để chủ động phân tích, dự báo, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành , góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá các diễn biến và đề ra các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian tới. Nguồn: chinhphu.vn
Phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá các diễn biến và đề ra các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian tới. Nguồn: chinhphu.vn

Chiều ngày 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp hội đồng để đánh giá các diễn biến và đề ra các giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngày 24/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 639/QĐ-TTg kiện toàn Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (gồm 30 thành viên và tổ giúp việc) để tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách tài chính, tiền tệ.

Đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên tất các lĩnh vực, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, tình hình kinh tế, chính trị thế giới sắp tới còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch bệnh COVID -19 vẫn hiện hữu, rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thiên tai… có thể tác động không thuận lợi tới sự phát triển của kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các chuyên gia phân tích, nhận định, đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn, có tác động đến Việt Nam; từ đó, có nhận định, đánh giá, dự báo các diễn biến về tài chính, tiền tệ trong nước, đề xuất các giải pháp phù hợp để chủ động, kịp thời ứng phó với các biến động có thể xảy ra trong các tháng cuối năm.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính đã báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước, điều hành giá, thị trường chứng khoán năm 2022 và giải pháp điều hành chính sách năm 2022; Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trình bày báo cáo đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và định hướng, giải pháp điều hành trong thời gian tới…

Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp, các chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng đã chỉ rõ các rủi ro của tình hình kinh tế, chính trị thế giới có thể tác động tới Việt Nam trong thời gian tới. Đó là, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; lạm phát, lãi suất, tỷ giá, rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng tăng... Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan khi đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ là điểm sáng về sự phục hồi mạnh mẽ, dự báo cả năm, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 6,8-7%...

Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô của Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng tăng 6,42% - mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% - mức tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất duy trì hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, trong thời gian còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, lạm phát tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và quan hệ thương mại quốc tế.

Đối với kinh tế trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ những tháng cuối năm cần tiếp tục kiên định mục tiêu vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định; nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; Tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh chuyển đổi số... 

Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác (như chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư…) để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế.