Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Trong tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Việc thực hiện các giải pháp này trước mắt sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, rất cần sự chia sẻ của Nhà nước với DN, người dân. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên chung quanh gói giải pháp về thuế này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua đã có rất nhiều giải pháp về thuế được triển khai nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vậy vì sao lần này, Bộ Tài chính lại tiếp tục trình Chính phủ thêm một loạt các giải pháp về thuế để hỗ trợ DN?

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Những năm qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta và cộng đồng DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua, tính đến những tháng cuối năm 2013 và sáu tháng đầu năm nay, nền kinh tế, mặc dù đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, để DN có điều kiện ổn định và phát triển, cần có thêm những giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014, đã ghi nhận nhiều kiến nghị của cộng đồng DN về các giải pháp thuế, tài chính. Sau Hội nghị, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính trình Chính phủ giải pháp hỗ trợ thuế cho DN.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN, Bộ Tài chính đã dự thảo một số giải pháp gửi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; đáp ứng yêu cầu thực tế; bảo đảm tính nhất quán của chính sách; phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết, đang đàm phán và bảo đảm cân đối của NSNN.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, từng bước tăng hệ số cạnh tranh quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành như Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thực hiện sự chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã trình các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội. Những giải pháp này cơ bản nhằm cải cách thể chế chính sách và thủ tục hành chính thuế.

Trong các giải pháp được Bộ Tài chính trình Chính phủ, cộng đồng DN đặc biệt quan tâm tới giải pháp về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về các ưu đãi thuế TNDN lần này?

Trong những năm qua, chính sách thuế TNDN đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, và mục tiêu của các sửa đổi, bổ sung đó là nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho DN hoạt động, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN, nâng cao khả năng cạnh tranh về kinh tế, Đảng và Chính phủ luôn coi trọng việc đổi mới chính sách thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng. Thực hiện Luật Thuế TNDN năm 2013, từ ngày 1/1/2014, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông giảm xuống còn 22% thay vì 25% như trước đây. Riêng DN có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% kể từ ngày 1/7/2013 (thực hiện trước thời hạn chung sáu tháng).

Cho đến nay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN.Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có mới chỉ áp dụng một số ưu đãi về thuế nhập khẩu, về khả năng tiếp cận tín dụng. Các ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích DN tăng cường, mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực CNHT kể trên. Trước yêu cầu hội nhập, cần được nghiên cứu, bổ sung chính sách để ưu tiên phát triển bởi đây là giải pháp quan trọng, giúp các ngành sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện... đầu vào, chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và nhất là tránh được sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội cho bổ sung lĩnh vực sản xuất sản phẩm CNHT được áp dụng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, những quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với địa bàn, lĩnh vực đầu tư thời gian qua, mặc dù đã có sự sửa đổi, bổ sung nhưng việc áp dụng Luật tại các thời điểm chuyển tiếp còn phức tạp, gây không ít khó khăn, vướng mắc cho DN và cả cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư. Để khắc phục các bất cập, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đồng thời bảo đảm chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội bổ sung quy định có tính chất nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong trường hợp Nhà nước có sửa đổi, bổ sung chính sách.

Trường hợp chính sách mới giảm ưu đãi thì DN vẫn tiếp tục được hưởng các chính sách đã được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Để phù hợp với kinh tế thị trường, bổ sung quy định cho phép DN được trừ vào chi phí tính thuế TNDN đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động. Đây là sự tiếp thu kiến nghị của cộng đồng. Ngoài ra, còn nhiều chính sách ưu đãi khác cho DN.

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai gói giải pháp về thuế lần này sẽ phát huy hiệu quả như thế nào cũng như tác động ra sao tới nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 và các năm tiếp theo?

Việc thực hiện các giải pháp về thuế đều hướng tới và giải quyết những vướng mắc của DN, và tác dụng quan trọng của nó là thu hút vốn đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển mạnh từ một số nước trong khu vực vào Việt Nam, từ đó tạo thêm nguồn lực cho DN, tạo thêm việc làm, thu nhập cho một lực lượng lao động lớn trong nước. Việc thực hiện các giải pháp này trước mắt sẽ làm giảm thu NSNN, nhưng Bộ Tài chính cho rằng trong điều kiện khó khăn chung lúc này, rất cần sự chia sẻ của Nhà nước với DN, với người dân. Khi DN được giảm bớt khó khăn, sẽ có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thu cho NSNN.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!