Chiến lược đầu tư cổ phiếu tuần 8-11/4: Bình tĩnh để bảo toàn vốn
Thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới trước khi tìm được điểm cân bằng và hồi phục. Do đó, nhà đầu tư có thể bình tĩnh lại và có thêm các thông tin chi tiết hơn tránh hoảng loạn bán tháo.
Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS Research), thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt bán tháo dữ dội trong phiên đầu tuần do nhà đầu tư lo sợ kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại căng thẳng trên phạm vi toàn cầu.
Các thị trường trên thế giới đã và đang tiệm cận thị trường giá xuống (giảm 20% từ đỉnh gần nhất) hoặc nằm sâu ở trạng thái này. Thị trường hiện đang định giá 5 lần cắt giảm lãi suất của Fed trước khi kết thúc năm.
Làn sóng hoảng loạn đang bao trùm thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà giao dịch dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải cắt giảm lãi suất thêm 5 lần nữa trong năm nay, khi nỗi lo suy thoái dâng cao. Thậm chí, họ còn dự báo Fed có thể giảm lãi suất khẩn cấp vào tuần tới.

Sau cú sốc về thuế đối ứng Mỹ áp cho Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần (31/3-4/4) giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 5/2022. Chỉ số VN-Index giảm 106,79 điểm, tương đương sụt 8,11% so với tuần trước đó, đánh dấu tuần giảm thứ 3 và xóa sạch thành quả tăng 8 tuần liên tiếp. Nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap đều giảm trên -10%, bên cạnh đó nhóm Vn30 cũng giảm 6,8%.
Có một số thông tin hỗ trợ thị trường như: Dữ liệu vĩ mô quý 1/2025 hay Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Tuy vậy, bối cảnh thế giới lúc này tác động mạnh, bên cạnh đó lượng cổ phiếu ở vùng 1.300 điểm sẽ còn gặp áp lực nếu dùng đòn bẩy và khả năng bán kỹ thuật vẫn còn.
Trong kịch bản cơ bản, MBS Research cho rằng, thị trường vẫn chịu áp lực bán kỹ thuật. Lúc này, nhà đầu tư nên quan sát chứng khoán thế giới, vì các thị trường này tạo đỉnh trước và điều chỉnh trước, do vậy khả năng cũng sẽ tạo vùng cân bằng trước khi mức chiết khẩu đủ hấp dẫn.
Về kỹ thuật, mức đáy của tuần trước ở khu vực 1.160 điểm cũng đáng lưu ý vì nếu thị trường xuyên thủng mức hỗ trợ này, đồng nghĩa với xu hướng tăng kể từ năm 2020 sẽ gặp bất lợi, nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng.
MBS Research cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang bi quan khi “bóng ma” thương chiến càn quét qua các thị trường, trading trong một xu hướng xuống thì quản trị danh mục phải đặt lên hàng đầu, cho đến lúc thị trường tạo đáy phải “sống sót”, do vậy nhà đầu tư nên bảo toàn vốn để có thể sống sót qua tuần này.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới trước khi hồi phục sau khi tìm được điểm cân bằng - khi nhà đầu tư có thể bình tĩnh lại và có thêm các thông tin chi tiết hơn để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế của mức thuế đối ứng.
Các chuyên gia cho rằng, đây là mức thuế cao nhất mà Mỹ đang đưa ra, mức thuế thực tế sẽ được đàm phán và áp dụng cho từng mặt hàng. Ngoài ra, chỉ có một số công ty niêm yết thuộc nhóm ngành dệt may, thủy sản, nội thất gỗ… trên sàn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các công ty khác đa phần chịu ảnh hưởng gián tiếp từ những khó khăn của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.