Chiến lược tài chính 2021-2030 vừa phục hồi kinh tế vừa thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội
Chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề: “Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam”, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/11, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, các chính sách tài khóa của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 không chỉ “tiếp sức” cho phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
Đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch
GS.,TS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, cần những cơ chế, chính sách cấp thiết, lộ trình phù hợp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.
Theo đó, chính sách tài khoá đóng vai trò quan trọng trong triển khai các gói hỗ trợ. Đó là, gói hỗ trợ về y tế, gói hỗ trợ thứ hai cần triển khai là tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa; gói hỗ trợ hướng tới người dân, người lao động; và gói hỗ trợ tài khóa mang tính trung hạn để tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Với gói hỗ trợ về y tế, theo GS.,TS. Trần Ngọc Anh, đây là vấn đề gốc để kiểm soát tốt dịch bệnh. Bài học từ thế giới cho thấy, để phục hồi nền kinh tế, các nước chi cho gói hỗ trợ về y tế tương đương khoảng trên dưới 1% GDP, nhưng Việt Nam mới ở mức từ 0,3-0,4% GDP. Do vậy, nguồn lực chi cho y tế phải nhanh và mạnh hơn. Theo đó, ngoài đầu tư cấp bách cho phát triển ngành công nghiệp y tế với trọng tâm là đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế (hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu); đầu tư cho phát triển hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế; hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ y tế…
Đối với gói hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều công ty phải đóng cửa. TS. Trần Ngọc Anh nhấn mạnh, bài học hỗ trợ của thế giới cho thấy có hai cách: giảm thuế, phí và hỗ trợ nguồn lực tài chính trực tiếp. Do các nước đang phát triển thường có hệ thống quản trị hạn chế, nên cách giảm thuế, phí hiệu quả hơn vì minh bạch và nhanh hơn nhiều so với các hình thức hỗ trợ nguồn lực trực tiếp phải thông qua quá trình phê duyệt, mà ở đó sự quan liêu của cơ quan quản lý dễ khiến nguồn lực hỗ trợ chậm đến doanh nghiệp, đồng thời tạo ra nguy cơ thất thoát nguồn lực. Do đó, Việt Nam nên chọn cách giảm thuế, phí để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ thứ ba hướng tới người dân, người lao động. Vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhưng chưa hướng tới khoảng 35% lao động tự do, trong khi họ là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Để hỗ trợ nhóm lao động tự do, các nước thường sử dụng dữ liệu từ thẻ căn cước công dân và hệ thống công nghệ. Cách làm này không tránh khỏi thất thoát nguồn lực, nhưng vì lợi ích của nhóm đối tượng này, nên cần chấp nhận một tỷ lệ thất thoát để triển khai được. Ở Việt Nam có tâm lý ngại rủi ro, vì làm được không sao, nếu xảy ra thất thoát thì bị truy trách nhiệm cá nhân…
Và cuối cùng, Việt Nam cần có gói hỗ trợ tài khóa mang tính trung hạn để đầu tư vào một số lĩnh vực, ngành có sự thất bại của thị trường, để tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế như: công nghiệp y tế, kinh tế số, công nghệ xanh…
Còn theo PGS.,TS. Bùi Tất Thắng - Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đối với thể chế tài chính hỗ trợ phát triển trong 2-3 năm trước mắt, cần thiết kế hệ thống chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. PGS.,TS. Bùi Đình Thắng ví dụ như với vốn đầu tư công, có thể do tác động của đại dịch COVID-19, một số nhà đầu tư tư nhân còn cân nhắc thận trọng trong đầu tư, nên đầu tư công lại càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, đây là dịp để rà soát lại tất cả các điểm nghẽn chính sách gây cản trở, ách tắc sự lưu thông của nguồn vốn này.
Với nguồn vốn FDI, cần sớm cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị. Còn với nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước ở trong nước, cần có chính sách huy động thật tốt nguồn vốn này bởi về lâu dài, đây là nguồn vốn có nghĩa quyết định nhất đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Song song với đó là thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Với quan điểm và mục tiêu như vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Tài chính trong thời gian tới, TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 cần chú trọng triển khai các nhóm giải pháp. Đó là, hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, hướng tới một hệ thống thu NSNN đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu NSNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài NSNN.
Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội; đổi mới cơ chế phân cấp, phân bổ và cơ cấu lại chi NSNN. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay - trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.
Theo quan điểm của TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, với trình độ của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần hình thành cơ chế không chỉ đơn thuần là chính sách tài khoá, để huy động hiệu quả hơn các nguồn lực từ thị trường và xã hội để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam cần khắc phục tình trạng hợp tác liên vùng kinh tế kém hiệu quả, do các vùng có tính phân tán cao. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do địa giới hành chính cấp tỉnh bị biến thành địa giới kinh tế. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh hơn là hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, nên không những không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mà còn triệt tiêu một số nguồn lực.