Chính phủ Mỹ giải cứu Citigroup - Một hành động quyết liệt

Theo Kiều Oanh (VnEconomy)

Chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Ngân hàng Citigroup, đồng thời "bơm" thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này. Động thái giải cứu này là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến phản công lại cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930 tới nay. Gói giải cứu khổng lồ nói trên được Chính phủ Mỹ tung ra cho Citigroup trong bối cảnh tập đoàn này chao đảo vì liên tục thua lỗ, cắt giảm nhân công số lượng lớn, “ôm” khối lượng tài sản xấu khổng lồ, và giá cổ phiếu gần như “mất phanh”.

Đây là kết quả của cuộc họp tìm giải pháp cho số phận của ngân hàng từng một thời lớn nhất thế giới này, kéo dài từ ngày thứ Sáu tuần trước tới đêm Chủ nhật theo giờ Mỹ, giữa Citigroup, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Bộ Tài chính Mỹ, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và các nhà chức trách khác của nước này.

Động thái giải cứu này là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến phản công lại cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930 tới nay.

Để đổi lấy gói giải cứu này, Citigroup phải “nhường” cho Chính phủ Mỹ lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 27 tỷ USD và mức cổ tức 8%. Mức cổ tức này cao hơn mức cổ tức 5% mà Chính phủ Mỹ có được từ các gói đầu tư trong kế hoạch 700 tỷ USD vào các ngân hàng khác thời gian qua. Trước đó, như một phần của Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), Bộ Tài chính Mỹ đã đầu tư 25 tỷ USD vào Citigroup.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng có được lượng chứng quyền (warrant) trị giá 2,7 tỷ USD để mua cổ phiếu của Citigroup trong tương lai.

Trong danh mục tài sản xấu trị giá 306 tỷ USD được bảo lãnh này, Citigroup nhất trí sẽ chịu khoản lỗ 29 tỷ USD đầu tiên cộng thêm 10% lượng thua lỗ tiếp theo. Còn lại 90% khoản thua lỗ tiếp theo, Bộ Tài Chính Mỹ sẽ chịu trách nhiệm 5 tỷ USD, FDIC chịu trách nhiệm 10 tỷ USD, và FED “gánh” phần còn lại.

Citigroup sẽ không phải thay đổi ban lãnh đạo, nhưng chấp nhận áp dụng các hạn chế ngặt nghèo hơn đối với lương thưởng cho lãnh đạo và phải điều chỉnh những khoản nợ thế chấp xấu trong danh mục 306 tỷ USD này.

Gói giải cứu khổng lồ nói trên được Chính phủ Mỹ tung ra cho Citigroup trong bối cảnh tập đoàn này chao đảo vì liên tục thua lỗ, cắt giảm nhân công số lượng lớn, “ôm” khối lượng tài sản xấu khổng lồ, và giá cổ phiếu gần như “mất phanh”.

Tuần trước, giá cổ phiếu của Citigroup sụt tới 60%, làm dấy lên lo ngại rằng các khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này sẽ rút vốn, khiến tình hình thêm xấu đi. Trong 4 quý vừa qua, ngân hàng 196 năm tuổi này đã thua lỗ tới 21 tỷ USD.

Việc Chính phủ Mỹ giải cứu Citigroup đã được giới phân tích dự báo từ trước. Đồng thời, số tiền mà Bộ Tài chính Mỹ bơm thêm vào Citigroup lần này hoàn toàn nằm trong dự báo trước đó của giới quan sát.

Trong tuyên bố chung công bố sau cuộc họp trên, Bộ Tài chính Mỹ, FED và FDIC cho biết, mục đích của động thái giải cứu này là nhằm tăng cường sự ổn định trên thị trường tài chính Mỹ và đưa nền kinh tế này trở lại với tăng trưởng.

Từng là ngân hàng lớn nhất thế giới, Citigroup hiện có tài sản 2.000 tỷ USD và hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, giá trị vốn hóa thị trường của Citigroup ở thời điểm đóng cửa thị trường cuối tuần trước chỉ còn có 20 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các ngân hàng ở Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, việc Chính phủ Mỹ cứu Citigroup hoàn toàn là một việc phải làm. “Nếu họ để Citigroup đổ vỡ, đó sẽ là thảm họa không chỉ đối với nước Mỹ mà cả thế giới”, chiến lược gia Nader Naeimi của quỹ đầu tư AMP Capital Investors nhận xét.