Chính phủ quyết tâm thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế. Ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015 cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đối với một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế giai đoạn 2014-2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng khá sau cổ phần hóa

Thủ  tướng Chính phủ trong Thông điệp đầu năm đã nhấn mạnh: cần thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

"Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của DNNN, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế", Thủ tướng khẳng định.

Trong Báo cáo tình hình tái cơ cấu DNNN các năm 2011-2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho thấy, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị về cổ phần hóa DNNN; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, phá sản DN; đánh giá hiệu quả hoạt động, giám sát và công khai tài chính của DN... Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN; tổng số DN cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 DN. Qua đó, DNNN tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Các DN được cổ phần hóa nêu trên hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp; việc cổ phần hóa được số DN này với số cổ phần chào bán gần 19.000 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn, đáng ghi nhận.

Hầu hết các DN sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức, tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, chính sách trợ cấp hỗ trợ đào tạo, đào tại lại nghề cho người lao động dôi dư do sắp xếp lại vẫn được thực hiện tốt, làm cho DN và người lao động yên tâm, bảo đảm được ổn định xã hội.

Vốn Nhà nước đầu tư vào DN tiếp tục được bảo toàn, phát triển từ 700.000 tỷ đồng năm 2010 lên 810.000 tỷ đồng năm 2011 và 1.019 nghìn tỷ đồng năm 2012 (bình quân tăng 15%).

Mấu chốt thành công là cổ phần hóa DN

Nhiệm vụ chung tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 được xác định là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.

Do 3 năm (2011-2013) tốc độ cổ phần hóa đạt thấp nên số DN cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014-2015 được xác định là 432 DN, như vậy bình quân mỗi năm 216 DN. Đây là nhiệm vụ lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm và có những giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện để có được kết quả rõ rệt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các DN phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Với tinh thần đó, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ các nhiệm vụ chính trong tái cơ cấu DNNN từ nay tới năm 2015. Theo đó, cần kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án được duyệt mà trọng tâm là cổ phần hóa DN, tái cơ cấu là để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt hơn vai trò của mình; đồng thời thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường và tập trung nâng cao hiệu quả quản trị DN.

Trong cổ phần hóa DN, Thủ tướng chỉ đạo phải làm quyết liệt, hiệu quả việc cổ phần hóa 432 DN theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015. Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các DNNN cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn DN 100% vốn nhà nước và giảm mạnh DNNN giữ cổ phần chi phối. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ cần có biện pháp quyết liệt và có bài bản, có lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường, nhất là đối với các khoản đầu tư không hiệu quả cần xây dựng phương án cụ thể, chặt chẽ, khả thi; phân loại rõ từng khoản vốn mà DNNN đầu tư ngoài ngành.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc, với lộ trình phù hợp, chặt chẽ, khả thi để các bộ quản lý ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước. Tiếp tục thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư và cơ chế, chính sách xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN...

Trong thời gian tới, được biết, Chính phủ sẽ ban hành một loạt văn bản về vấn đề này, như Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN...

Tại Hội nghị, Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho thấy, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN đến năm 2015. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Về cơ bản nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về nguyên tắc, DN có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư, trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách (kể cả dưới mệnh giá) thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách. Vì vậy, khi thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, nếu trừ cả “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn” thì có thể dẫn tới tăng thêm số lỗ phát sinh, như vậy cũng chưa đảm bảo hạn chế tổn thất vốn đầu tư ở mức cao nhất. Mặt khác, đối với các trường hợp có thời gian đầu tư dài tính đến thời điểm thoái vốn thì việc xác định các lợi ích thu được cũng phát sinh bất cập do phải rà soát, đối chiếu, như vậy sẽ làm kéo dài thời gian thoái vốn.

Hy vọng rằng, với các cơ chế chính sách được Chính phủ  đã, đang và sắp ban hành, sẽ hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu DNNN theo đúng mục tiêu đã định.