Chính phủ sẽ tổng kết công tác tái cơ cấu DNNN trong tháng 7/2016

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7/2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tính đến cuối năm 2015, tổng số vốn các DNNN đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp vẫn còn khoảng 60%.Trước đó, hội nghị đã được lên kế hoạch tổ chức từ cuối năm 2015 và dự kiến tổ chức vào tháng đầu tiên của năm 2016.

Theo tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương tại báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính hồi đầu năm nay, trong giai đoạn 2011 – 2015, các cơ chế chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường.

Nhờ vậy, đã giúp các DNNN hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có vốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực, ngành kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, hạn chế thất thoái vốn và tài sản nhà nước.

Số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn này đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 478 doanh nghiệp (đạt 93% kế hoạch) và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Gồm: giao 1 doanh nghiệp, bán 10 doanh nghiệp; sáp nhập 33 doanh nghiệp, hợp nhất 14 doanh nghiệp; giải thể 9 doanh nghiệp, phá sản 6 doanh nghiệp; chuyển thành đơn vị sự nghiệp 1 đơn vị; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên 6 doanh nghiệp.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm (lĩnh vực Bất động sản, Chứng khoán, Tài chính-Ngân hàng, Bảo hiểm và Quỹ đầu tư) mặc dù đã được triển khai quyết liệt, nhưng tiến độ đạt thấp, tính đến cuối năm 2015 vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Trong đó, giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do một số đơn vị thoái vốn với giá 0 đồng tại lĩnh vực ngân hàng theo chỉ đạo của NHNN). Ngoài ra, giai đoạn 2011 -2015, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 368 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về đạt 6.998 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị đầu tư (2.940 tỷ đồng), thặng dư bán vốn là 4.058 tỷ đồng.

Nguyên nhân thoái vốn, bán bớt phần vốn nhà nước đạt thấp do một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt. Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính; chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cố đông chiến lược... cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý./.