Chính sách bảo hiểm y tế đã “thẩm thấu” đi vào cuộc sống
Thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã “thẩm thấu” đi vào cuộc sống, giúp hàng triệu người dân được chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Thời gian tới, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của chính sách BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội.
Hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT
Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, năm 2023, BHXHViệt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế trong xây dựng, sửa đổi Luật BHYT.
BHXH Việt Nam cũng kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Theo đó, việc ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã góp phần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; nâng mức hưởng BHYT của người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, người phục vụ người có công; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn 2019 - 2022. Qua đó, đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bộ, ngành và được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế triển khai thực hiện quy định chuẩn hóa và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và giải quyết các chế độ liên quan; góp phần chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành BHXH Việt Nam đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Để thực hiện hiệu quả chính sách BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai thực hiện chính sách; tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để thảo luận đưa ra các giải pháp phát triển người tham gia BHYT.
Cùng với đó, cơ quan BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu triển khai các hình thức tư vấn, vận động người tham gia, ưu tiên vận động, khuyến khích 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia; kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định; tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng, xử lý các đơn vị chậm đóng BHYT…
Đặc biệt, trong năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước hướng tới nhóm người chưa có thẻ BHYT thuộc diện mới thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác…
Đây là hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có cơ hội thoát bẫy nghèo đói khi không may ốm đau, bệnh tật.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai chính sách BHYT, nên đến hết năm 2023, toàn quốc đã có 93,307 triệu người dân có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số và có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022) với số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Nhìn chung, chính sách BHYT đã ngày càng “thẩm thấu” đi vào cuộc sống, giúp cho hàng triệu người dân được chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Tiếp tục phát huy vai trò của chính sách BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội
Triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đặt muc tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 95,15% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách BHYT bảo đảm bám sát yêu cầu thực tiễn, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế tăng cường quản lý Quỹ Khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến cơ sở để thu hút người có thẻ BHYT đến khám điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.
Cơ quan BHXH tổ chức thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia; tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; áp dụng quy trình giám định BHYT mới gồm hai phương pháp chủ động và tự động; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Cùng với đó, cơ quan BHXH sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT.
Ngoài các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn theo hướng mở rộng hiệu quả diện bao phủ BHYT; ngăn ngừa các hành vi trục lợi, lạm dụng Quỹ BHYT; bảo đảm cân đối Quỹ Khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn một cách bền vững.