Chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ tác động đến các quyết định đổi mới công nghệ của doanh nghiệp

Phạm Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Quý - Trường Đại học Tài chính Marketing

Bài viết phân tích ảnh hưởng của chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Chính phủ đến đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam qua việc sử dụng mô hình Binary logistic để lượng hóa mức độ ảnh hưởng. Bài viết cũng xem xét quyết định đổi mới công nghệ dưới tác động chính sách hỗ trợ từ Chính phủ theo từng đặc điểm về tài sản, lợi nhuận, nợ vay tại 118 DN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách hỗ trợ tác động tích cực đến quyết định đổi mới công nghệ của DN; DN sẽ phản ứng tích cực hơn với sự hỗ trợ về chính sách trong quyết định đổi mới công nghệ. Đây là cơ sở để hoàn thiện chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các DN trong quá trình đổi mới công nghệ.

Giới thiệu

Công nghệ đã, đang và sẽ có những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, là động lực của tăng trưởng kinh tế bền vững (Solow, 1960; Boskin và Lau, 1992). Công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra giá trị gia tăng cho DN (Khalil, 2000). Vì vậy, đổi mới công nghệ là cần thiết để DN gia tăng khả năng cạnh và đáp ứng kịp thời nhu cầu tương lai của khách hàng, tăng sản lượng và lợi nhuận ròng (Drucker, 2002).

Tuy nhiên, đổi mới công nghệ chỉ thành công khi được thương mại hóa, được thị trường và xã hội chấp nhận. Để khuyến khích các DN tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, nhiều quốc gia đã đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ khác nhau. Trong đó, hỗ trợ tài chính có thể qua hình thức trực tiếp tiền, cho vay không lãi suất; hoặc gián tiếp qua miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhà xưởng (Schwartz và Clements, 1999). Sự hỗ trợ này mang đến kết quả khác nhau.

Một số nghiên cứu cho thấy, sự hỗ trợ của Chính phủ về tài chính không có tác dụng đối với hoạt động đổi mới công nghệ, thậm chí gây ra tác động lấn át (Busom, 2000; Yu và cộng sự, 2016). Đối với DN, để nhận được khoản hỗ trợ tài chính của Chính phủ sẽ tốn chi phí hơn nhiều so với việc huy động trên thị trường vốn.

Để tối đa hóa lợi nhuận, các DN thường sử dụng khoản hỗ trợ tài chính đó để đầu tư vào các hoạt động khác thay vì hoạt động đổi mới công nghệ. Theo Hud và Hussinger (2015) tác động lấn át của chính sách hỗ trợ tài chính đối trong năm khủng hoảng kinh tế 2009 là do hành vi thực hiện đổi mới công nghệ một cách miễn cưỡng của các DN khi nhận được sự hỗ trợ đó.

Nghiên cứu của Montmartin và Herrera (2015) cho thấy, mối quan hệ phi tuyến tính giữa mức độ hỗ trợ của Chính phủ với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của DN, bao gồm cả hiệu ứng đòn bẩy và lấn át. Do đó, tác động của chính sách hỗ trợ cũng phụ thuộc vào cường độ hỗ trợ tài chính. Một lý do dẫn đến sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ không hiệu quả là do sự tồn tại thông tin bất cân xứng giữa Chính phủ và các DN.

Nếu tất cả thông tin thực tế về các điều kiện nghiên cứu, đổi mới công nghệ của DN được biết, các nhà hoạch định chính sách có thể chọn các DN phù hợp để hỗ trợ hiệu quả (Hall và Lerner, 2010). Lý do quan trọng khác là ảnh hưởng trong sự không đồng nhất của DN. Các khoản hỗ trợ được cấp cho các DN có đặc điểm khác nhau dẫn đến những tác động khác nhau. Sở hữu DN có ý nghĩa quyết định đối với cách thức và hiệu quả trong quá trình điều hành chính sách (Wu, 2017).

Trong khi đó, một số nghiên cứu lại cho rằng, chính sách hỗ trợ công nghệ cũng là một chính sách có khả năng phát huy hiệu quả trong quá trình đổi mới công nghệ của DN. Có nhiều cách thức Chính phủ có thể sử dụng để triển khai chính sách hỗ trợ công nghệ như: trợ cấp cho các hoạt động nghiên cứu; chuyển giao và phổ biến công nghệ; tạo thị trường cho các sản phẩm công nghệ; khuyến khích thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ…Với sự hỗ trợ này, các DN sẽ mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định đổi mới công nghệ (Patarapong và Akira, 2016).

Tại Việt Nam, trước áp lực từ hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) thời gian gần đây có xu hướng gia tăng đầu tư công nghệ mới. Tuy nhiên, đa số DNNVV chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới công nghệ còn thấp. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DN chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980-1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Ít DN quan tâm đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ là nguyên nhân dẫn đến thị trường khoa học và công nghệ chậm phát triển, tốc độ đổi mới công nghệ và trình độ công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực chưa được cải thiện. Để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ tại các DN, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình, chính sách để khuyến khích các DN gia tăng đổi mới công nghệ, điển hình như Quyết định 118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Luật Chuyển giao công nghệ...

Vấn đề đặt ra là các chính sách này ảnh hưởng ở mức độ nào đến quyết định đổi mới công nghệ của các DN và việc các DN tận dụng cơ hội từ sự hỗ trợ của Chính phủ ra sao thì cần có nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Nghiên cứu này thực hiện đo lường mức độ ảnh hưởng của chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đến quyết định đổi mới công nghệ của DNNVV. Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách sẽ được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đối với quyết định công nghệ tại các DN.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ bao gồm chính sách hỗ trợ về mặt công nghệ và tài chính đối với hoạt động đổi mới công nghệ của DN. Chính sách này được chia thành 2 nhóm là hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp là thông qua hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ giáo dục chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ gián tiếp như những thông tin về công nghệ được phổ biến đến DN, hỗ trợ nguồn nhân lực.

Như vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất đa dạng và được phân bổ dưới nhiều hình thức khác nhau và được chi tiết hóa trong các nghiên cứu của Cerulli (2008), Lee(2011); Shen và Luo (2015), Sijeoung Kim và các cộng sự (2016). Ở các nghiên cứu này các chính sách của Chính phủ được chi tiết hơn về các hình thức như can thiệp như phân bổ kinh phí, như thuế giá trị gia tăng, trợ cấp tài chính, ưu đãi thuế… Trong đó hỗ trợ tài chính được sử dụng thường xuyên hơn so với hỗ trợ về mặt công nghệ.

Quyết định đổi mới công nghệ

Đổi mới công nghệ theo Damanpour (1991) đề cập đến việc áp dụng quy trình mới trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quyết định đổi mới công nghệ là quyết định áp dụng quy trình công nghệ mới hoặc có những cải tiến công nghệ đáng kể về sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình quản lý nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hoặc qui trình quản lý mới đem lại sự hiệu quả trong hoạt động của DN, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (Oecd, 1996).

Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Chính sách hỗ trợ tài chính và quyết định đổi mới công nghệ

Lý thuyết tài chính công nhấn mạnh rằng, trợ cấp là một phản ứng thích hợp để tạo ra các hoạt động tích cực của DN. Đổi mới công nghệ thường đi kèm với sự không chắc chắn và rủi ro cao. Do đó, thị trường tài chính và các DN thường ít chủ động trong quá trình đầu tư đổi mới công nghệ để né tránh các tổn thất tiềm ẩn. Trong hoàn cảnh này, số tiền đầu tư đổi mới công nghệ sẽ rất thấp (Mansfield và cộng sự, 1977).

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn cho đổi mới công nghệ đối với nhiều DN còn là một trở ngại. Thông tin bất cân xứng có thể khiến việc huy động vốn bên ngoài trở nên đắt đỏ cho nhiều DN (Greenwald và cộng sự, 1984). Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn cho đổi mới công nghệ đối với nhiều DN, nhất là các DNNVV là do khả năng thanh khoản kém so với các DN lớn (Acs và Audretsch, 1990).

Nhiều nghiên cứu đã xem xét hiệu suất dài hạn của các DN công nghệ cao khi nhận được quỹ hỗ trợ tài chính của Chính phủ và nhận thấy rằng, những DN này rất tích cực trong quá trình đổi mới công nghệ và đạt được mức tăng trưởng doanh số bán hàng đáng kể (Teece, 1986; Griliches, 1992; Jaffe, 1996). Khoản hỗ trợ tài chính đối với DN có thể bù đắp được những tổn thất tiềm tàng từ bên ngoài của hoạt động nghiên cứu phát triển do đó giảm bớt được các khó khăn về mặt tài chính và giảm chi phí hoạt động của DN, đồng thời nâng cao hiệu suất của DN (Lach, 2002; González và Pazó, 2008; Carboni, 2011; Jiuchang và Yang, 2015). Từ những luận điểm trên đây, các giả thuyết nghiên cứu H1 được đề xuất:

H1: Chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ có tác động tích cực đến quyết định đổi mới công nghệ của DN.

Bảng 1: Quy mô của DN dựa trên số lượng lao động đang làm việc

Quy mô DN

Số lượng DN

Tỷ lệ

Nhỏ hơn 10 lao động

13

11,02%

Trên 10 – 50 lao động

84

71,19%

Trên 50 – 100 lao động

21

17,79%

Tổng

118

100%

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của nhóm tác giả

Chính sách hỗ trợ công nghệ và quyết định đổi mới công nghệ

Chính sách hỗ trợ công nghệ cho DN có thể được chia thành ba nhóm gồm chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cung, chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cầu và chính sách hỗ trợ công nghệ hệ thống.

Mục đích của các chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cung đối là tăng cường khuyến khích đổi mới công nghệ, giảm chi phí vận hành. Chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cung được sử dụng phổ biến nhất là trợ cấp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; chuyển giao và phổ biến công nghệ, khuyến khích thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ; đào tạo công nhân lành nghề và các nhà khoa học, kỹ sư. Chính sách hỗ trợ công nghệ hướng cầu tập trung vào việc tạo thị trường cho các sản phẩm được tạo ra từ quá trình đổi mới công nghệ. Điều quan trọng của chính sách này là chính phủ có thể cung cấp thị trường đầu tiên cho những đổi mới công nghệ chưa sẵn sàng để được chấp nhận bởi thị trường tư nhân do rủi ro cao và bản chất rất không chắc chắn của quá trình đổi mới công nghệ.

Ngoài mua sắm công, chính phủ có thể kích thích thị trường tư nhân để chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo bằng công nghệ mới thông qua các cơ chế khác nhau như dán nhãn sản phẩm công nghệ mới, xúc tiến thị trường, trợ cấp, ưu đãi thuế cho người mua các sản phẩm đổi mới hoặc người áp dụng các quy trình đổi mới. Điều này sẽ khuyến khích các DN ứng dụng các công nghệ tốt hơn cải thiện đáng kể các sản phẩm. Ngoài chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cung và trọng cầu, còn có một tập hợp các chính sách hỗ trợ công nghệ hệ thống thông qua việc thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa các DN với các trường đại học và các viện nghiên cứu.

Các biện pháp khác nhau có thể được sử dụng để thúc đẩy các mối quan hệ này chặt chẽ hơn. Kết quả là các DN sẽ mạnh dạn hơn trong quá trình đổi mới công nghệ dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên (Patarapong và Akira, 2016,). Như vậy, chính sách hỗ trợ công nghệ được xem là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả đổi mới công nghệ của DN (Zhang và Li, 2014). Từ những phân tích trên, giả thuyết H2 được đề xuất là:

H2: Chính sách hỗ trợ công nghệ của Chính phủ có tác động tích cực đến quyết định đổi mới công nghệ của DN.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ về mặt tài chính và công nghệ, các yếu tố nội lực của DN như tài sản, nợ vay, lợi nhuận là những yếu tố quan trọng cho quyết định đổi mới công nghệ (Sijeoung Kim và các cộng sự, 2016). Mô hình nghiên cứu được đề xuất như Hình 1.

Bảng 2: Các biến trong mô hình nghiên cứu

Ký hiệu

Diễn giải

Kế thừa nghiên cứu trước

TI

Xác suất trong quyết định ĐMCN của doanh nghiệp

 

SUPF

Chính phủ hỗ trợ tài chính cho DN thể hiện qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ đối với hoạt động đổi mới công nghệ của DN như: hỗ trợ thuế, lãi suất tín dụng, các khoản trợ cấp.

Lach (2002), Cerulli và Poti, (2008); Kim (2016), Shen và Luo (2015), Sijeoung Kim và các cộng sự (2016)

SUPT

Chính phủ hỗ trợ công nghệ cho DN thể hiện thông qua việc quản lý hỗ trợ công nghệ và hướng dẫn thông qua một Bộ đặc biệt và thông qua các luật và quy định.

 
 

Lach (2002), Cerulli và Poti, (2008); Sijeoung Kim và cộng sự (2016)

 

PROF

Lợi nhuận doanh nghiệp

Loury (1979), Fudenberg và Tirole (1985).

ASS

Tài sản của DN

Gomez và Vargas (2009)

LOAN

Nợ vay của doanh nghiệp

Elena Huergo, Lourdes Moreno Martín (2017)

Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu trước của nhóm tác giả

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng của nghiên cứu này là quyết định đổi mới công nghệ của DNNVV tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng được thực hiện thông qua quá trình khảo lược các nghiên cứu trước để hình thành khái niệm nghiên cứu, mô hình nghiên cứu và thang đo các khái niệm nghiên cứu.

Thang đo nháp sau đó được đưa ra phỏng vấn chuyên gia để bổ sung, điều chỉnh. Thang đo chính thức được sử dụng để thu thập dữ liệu. Nghiên cứu này sử dụng mô hình Binary logistic để lượng hóa ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến quyết định đổi mới công nghệ của các DN. Kích thước được tính theo công thức của Cochran (1977) với n tối thiểu là:

n = 1.962.

0.5(1-0.5)

= 96

0,12

 

Tuy nhiên, theo Orme (2010) cỡ mẫu thường đòi hỏi cao hơn, thường vào khoảng 150 đến 1.200. Vì vậy, nghiên cứu quyết định chọn cỡ mẫu 150 quan sát. Khảo sát được thực hiện đối với 150 DN tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi thu thập được các phiếu khảo sát, dữ liệu được làm sạch và được phân tích thống kê mô tả và phân tích mô hình kinh tế lượng bằng phần mềm STATA13. Để phân tích mô hình hồi quy Logit, các biến số được xác định bao gồm: (1) Biến số Chính phủ hỗ trợ về mặt tài chính cho DN; (2) Biến số Chính phủ hỗ trợ về mặt công nghệ cho DN; (3) Biến số lợi nhuận DN quy về dạng log; (4) Biến số tổng tài sản của DN quy về dạng log; (5) Biến số tổng nợ vay của DN quy về dạng log; (6) Biến số quyết định đổi mới công nghệ của DN.

Sau đó, nghiên cứu tiến hành thống kê mô tả các biến và thực hiện hồi quy mô hình xem xét ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến quyết định đổi mới công nghệ của các DN.

Kết quả nghiên cứu

Đặc điểm mẫu

Bảng 3: Thống kê các biến được sử dụng

Biến

Giá trị trung bình

Sai số chuẩn

Giá trị lớn nhất

Giá trị nhỏ nhất

SUPT

.2966102

.458711

0

1

SUPF

.2711864

.4464679

0

1

LnLOAN

2.534132

3.797487

0

10.81978

LnASS

12.05795

2.104072

5.937879

15.6553

lnPROF

10.40845

4.001638

4.369448

16.11493

Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra củ a nhóm tác giả

Cuộc điều tra được tiến hành tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo phương pháp chọn mẫu phi xác suất và phát triển mầm. Quy mô khảo sát được tiến hành với 150 DN, chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Trong tổng số 150 phiếu gửi đi điều tra, nhóm tác giả nhận về phản hồi của 142 phiếu, sau khi kiểm tra nhóm đã loại bỏ 24 phiếu không hợp lệ do thiếu thông tin và giữ lại 118 bản trả lời để đưa vào xử lý. Quy mô của 118 DN được mô tả ở Bảng 1.

Trong 118 DN cung cấp đầy đủ thông tin theo mục tiêu của nghiên cứu có phần lớn các DN thuộc loại hình DN trách nhiệm hữu hạn với 87 DN chiếm 73,73%, còn lại là các DN tư nhân.

Mô tả các biến

Kế thừa từ các kết quả nghiên cứu trước đó của các tác giả trong và ngoài nước, nghiên cứu đề xuất các yếu tố (nhấn mạnh yếu tố chính sách của chính phủ) ảnh hưởng đến quyết định đổi mới công nghệ của DN bao gồm:

Biến phụ thuộc:

TI: Xác suất trong quyết định đổi mới công nghệ của DN. TI = 1 nếu DN CÓ đổi mới công nghệ; TI = 0, nếu DN KHÔNG đổi mới công nghệ.

Biến độc lập:

(1) SUPF: Chính phủ hỗ trợ tài chính cho DN. SUPF = 1 nếu DN nhận được hỗ trợ, SUPF = 0 nếu DN không nhận được hỗ trợ.

(2) SUPT: Chính phủ hỗ trợ công nghệ cho DN. SUPT = 1 nếu DN nhận được hỗ trợ, SUPT = 0 nếu DN không nhận được hỗ trợ.

Biến kiểm soát:

(3) PROF: Lợi nhuận của DN (đơn vị tính: 1000 đồng)

(4) ASS: Tài sản của DN (đơn vị tính: triệu 1000) bao gồm tài sản vật chất và tài sản tài chính tính đến hết ngày 31/12/2022.

(5) LOAN: Các khoản nợ vay (đơn vị tính: 1000 đồng) bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn tính đến hết ngày 31/12/2022.

Thống kê các biến trong mô hình

Kết quả thống kê của các biến trong mô hình cho thấy có sự khác biệt rất lớn về tình hình tài chính của DN. Trong đó, sự khác biệt lớn thuộc về chỉ tiêu tài sản và lợi nhuận với giá trị nhỏ nhất sau khi logarit lần lượt là 5,93 và 4,36; giá trị lớn nhất lần lượt 15,65 và 16,11. Sự khác biệt lớn trong các chỉ tiêu tài chính như vậy phản ánh tình hình thực tế khả năng đổi mới công nghệ của các DN khi nhận hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ cũng sẽ rất khác nhau.

Phân tích hồi quy

Để đánh giá sự phù hợp của mô hình, nghiên cứu sử dụng hệ số Pseudo R2. Pseudo R2 cho biết % biến động của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình. Giá trị của Pseudo nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Nếu Pseudo R2 = 0 có thể kết luận rằng biến phụ thuộc và biến độc lập không có quan hệ với nhau. Nếu Pseudo R2 = 1, khi đó mô hình hồi quy đạt yêu cầu rất cao.

Bảng 4: Đánh giá sự phù hợp của mô hình

Chỉ số

Giá trị

Number of obs

114

LR chi2(5)

40.08

Prob > chi2

0.0000

Pseudo R2

0.2583

Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra của nhóm tác giả

Kết quả cho thấy, hệ số Pseudo R2 mô hình 1 bằng 0.2583 các biến đưa vào mô hình phù hợp với dữ liệu đạt mức 25,83%. Hay nói cách khác, quyết định đổi mới công nghệ của DN chịu tác động của các yếu tố đã đưa trong mô hình còn lại là do ảnh hưởng của các nhân tố khác ngoài mô hình.

Từ quá trình phân tích mối tương quan giữa các yếu tố tác động đến quyết định đổi mới công nghệ của các DN, kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương tác chặt chẽ giữa quyết định đổi mới công nghệ của DN với lợi nhuận của DN. Kết quả cụ thể Bảng 5.

Bảng 5: Ma trận tương quan các biến trong mô hình nghiên cứu

 

TI

SUPT

SUPF

LnLOAN

LnASS

LnPROF

TI

1

 

 

 

 

 

SUPT

0.1527

1

 

 

 

 

SUPF

-0.0542

0.1886

1

 

 

 

LnLOAN

-0.0585

0.3246

0.2693

1

 

 

LnASS

0.0736

0.2679

0.1246

0.1491

1

 

LnPROF

0.1344

0.1002

0.1189

0.2979

0.0307

1

Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra của nhóm tác giả

Hệ số tương quan giữa các biến trong mô hình đều có trị số nhỏ hơn 0,5, điều này cho thấy giữa các biến độc lập không có mối tương quan chặt chẽ với nhau nên hiện tượng cộng tuyến làm sai lệch kết quả nghiên cứu rất khó xảy ra. Điều này cũng phản ánh sự phù hợp của các biến đưa vào trong mô hình nghiên cứu.

Từ kết quả trên cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa quyết định đổi mới công nghệ của DN với các biến số đưa vào mô hình phân tích. Do đó, các yếu tố đưa vào mô hình phân tích trong trường hợp này là tương đối phù hợp.

Kết quả cho thấy, các biến có ý nghĩa thống kê. Theo đó, khi DN nhận được sự hỗ trợ công nghệ của chính phủ sẽ làm gia tăng quyết định đổi mới công nghệ của DN 4,01 lần so với DN không nhận được hỗ trợ. Như vậy, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có tác động tích cực nhất định với những DN thực sự tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sử dụng đúng mục đích của chính sách hỗ trợ. DN nhận được sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cũng làm tăng quyết định đổi mới công nghệ lên 2,21 lần.

Kết quả cũng cho thấy, những DN có vấn đề về nợ vay, tài sản và lợi nhuận khi nhận được hỗ trợ tài chính, công nghệ của Chính phủ cũng sẽ tăng khả năng ra quyết định đổi mới công nghệ nhằm cải thiện hiện trạng.

Tỷ số Odds đối với biến SUPT, SUPF lớn hơn 0 chứng tỏ các chính sách hỗ trợ công nghệ của Chính phủ đối với quyết định đổi mới công nghệ có mối quan hệ cùng chiều. Giả thuyết H1 và H2 được chấp nhận. Kết quả này một phần phù hợp với các nghiên cứu trước đây của Lach (2002), Cerulli và Poti (2008); Kim (2014), Shen and Luo (2015), Sijeoung Kim và các cộng sự (2016).

Bảng 6: Kết quả hồi quy logistic

TI

Coef.

Std. Err.

z

P>|z|

[95% Conf. Interval]

Odds Ratio

SUPT

1.389271

.5239202

2.65

0.008

.3624059

4.011922

SUPF

.795886

.5048547

1.58

0.115

-.1936111

2.216404

lnLOAN

.1544181

.0629271

2.45

0.014

.0310832

1.166979

lnASS

.2756326

.1508987

1.83

0.068

-.0201234

1.317364

lnPROF

.0800223

.060028

1.33

0.183

-.0376304

1.083311

_cons

-5.58664

2.012296

-2.78

0.005

-9.530668

.0037476

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ có tác động tích cực đến quyết định đổi mới công nghệ của các DN, đặc biệt là các DNNVV. Kết quả này được coi là tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đó. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đổi mới nội dung, chương trình hỗ trợ tài chính cho các DNNVV; Cần tăng cường ưu đãi về thuế, lãi suất đối với tất cả các lĩnh vực liên quan đến hiện đại hóa công nghệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho DN tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi.

Chính sách hỗ trợ công nghệ của Chính phủ cũng ảnh hưởng tích cực đến quyết định cải tiến công nghệ của DN. Kết quả này tương tự với kết quả của (Peltz và Weiss, 1984.; Sung, 2019; Zhang và cộng sự, 2014). Vì vậy, để khuyến khích các DN vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, Chính phủ cần xem xét thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ công nghệ theo cả 3 hướng là chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cung, chính sách hỗ trợ công nghệ trọng cầu, chính sách hỗ trợ công nghệ hệ thống (Patarapong và Akira, 2016).

Bên cạnh sự ảnh hưởng từ chính sách hỗ trợ tài chính và công nghệ, những yếu tố về đặc điểm nợ vay, tài sản và lợi nhuận của từng DN cũng ản hưởng đến quyết định đổi mới công nghệ. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, những DN có vấn đề về nợ vay, tài sản và lợi nhuận khi nhận được hỗ trợ tài chính, công nghệ của Chính phủ cũng sẽ tăng khả năng ra quyết định đổi mới công nghệ nhằm cải thiện hiện trạng. Đây cũng là kết quả mà Aschauer, (1990); Busom, (2000); Yu và cộng sự., (2016) đã đề cập. Vì vậy, để chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy hiệu quả cần xác định rõ tình hình tài chính của DN để tập trung hỗ trợ đặc biệt là về tài chính cho các DN hoạt động yếu kém để tạo điều kiện cho các DN này có vốn đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các kết quả đạt được, do hạn chế về thời gian, nguồn lực nên nghiên cứu này có cỡ mẫu nhỏ, thu thập theo phương pháp phi xác suất và phát triển mầm nên tính đại diện không cao. Các nghiên cứu tiếp theo cần thu thập mẫu theo phương pháp xác suất và tăng cỡ mẫu để tăng tính đại diện cho nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Acs, Z. J. and D. B. Audretsch (1990), Innovation and smallfirms, Cambridge: MIT Press;
  2. Aschauer, D. A. (1990), Why is infrastructure important? Conference Series ; [Proceedings], 34, 21–68;
  3. Boskin, M., & Lau, L. (1992) (n.d.), The role of R&D and the changing R&D paradigm. 24;
  4. Busom , I. (2000), An Empirical Evaluation of The Effects of R&D Subsidies. Economics of Innovation and New Technology, 9(2), 111–148. https://doi.org/10.1080/10438590000000006;
  5. Carboni, O. A. (2011), R&D subsidies and private R&D expenditures: Evidence from Italian manufacturing data. International Review of Applied Economics, 25(4), 419–439. https://doi.org/10.1080/02692171.2010.529427;
  6. Cerulli, G., & Potì, B. (2008), Evaluating the Effect of Public Subsidies of Firm R & D Activity: An Application to Italy Using the Community Innovation Survey. Ceris-CNR;
  7. Cochran (1977), Sampling Techniques, Third Edition, Emeritus Havard University;
  8. Damanpour, F. (1991), Organizational innovation: A meta-analysis of effects of determinants and moderators. Academy of management journal, 34(3), 555-590;
  9. Drucker, P. F. (2002, August 1), The Discipline of Innovation. Harvard Business Review. https://hbr.org/2002/08/the-discipline-of-innovation;
  10. Griliches, Z. (1992), The search for R&D spillovers, Scandinavian Journal of Economics 94, S29-S4.